Jetstar Pacific sung sức sau màn cứu nguy của “ông lớn”

Jetstar Pacific liên tục mở nhiều đường bay mới
Jetstar Pacific liên tục mở nhiều đường bay mới
TP - Từ chỗ thua lỗ hơn 400 tỷ/năm, đội máy bay cao tuổi, không đồng nhất, Hãng Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) lội ngược dòng ngoạn mục chỉ sau gần ba năm tái cơ cấu: Phát triển đội tàu bay mới, mở rộng đường bay, bắt đầu có lãi...

Trở lại “cuộc đua” trên đường băng

Những ngày đầu tháng 11 xuất hiện thông tin bất ngờ với ngành hàng không Việt Nam: JPA– hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam lâu nay khá trầm lặng sẽ phát triển đội máy bay từ 12 chiếc hiện nay lên 30 chiếc vào năm 2020. Đây là kết quả đàm phán cấp cao của hai cổ đông của JPA là Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, chiếm 70% vốn của JPA) và Tập đoàn hàng không Qantas Group (Úc), Jetstar Group - công ty con của Qantas Group (nắm 30% cổ phần JPA) tại Sydney (Úc).

Nhân sự kiện này, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng GĐ Vietnam Airlines (VNA) đưa ra thông điệp cụ thể: Sẽ đầu tư phát triển JPA theo mô hình hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác; VNA tiếp tục cùng JPA thực hiện chiến lược thương hiệu kép (hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ - PV); xác lập mục tiêu duy trì thị phần của hai hãng trên thị trường nội địa ở mức 70%.

Ông Alan Joyce, Tổng GĐ Tập đoàn Qantas cũng cam kết cùng VNA đầu tư dài hạn cho JPA. Trong đó, Tập đoàn đến từ Úc này sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình “thương hiệu kép” của mình (Hãng Hàng không truyền thống Qantas và thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar trên toàn cầu); hỗ trợ JPA trong tiếp thị, bán hàng và hợp tác quốc tế. Đồng thời, JPA cũng sẽ cùng tham gia với Qantas trong gói đặt hàng mua máy bay với Airbus.

Đây là diễn biến khả quan sau chặng đường tăng trưởng đáng kể của JPA trong gần 3 năm qua - kể từ khi JPA tách khỏi SCIC (Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước), chuyển một phần vốn sở hữu sang Tổng Cty Hàng không Việt Nam vào đầu năm 2012. Theo đó, sản lượng khách vận chuyển ước thực hiện năm 2015 trên 4 triệu lượt khách, tăng 123% so với năm 2012 (1,8 triệu lượt khách). Số chuyến bay JPA thực hiện từ hơn 11 nghìn chuyến bay năm 2012 lên hơn 18 nghìn chuyến chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015. Từ chỗ thua lỗ hơn 400 tỷ/năm vào thời điểm VNA tiếp nhận, mức lỗ giảm dần và lần đầu tiên đạt lợi nhuận hơn 80 tỷ đồng, tính từ đầu năm 2015 đến nay.

Các “ông lớn” chìa tay

Sự thay đổi JPA là thành quả của việc tái cơ cấu triệt để, tận dụng sự hỗ trợ nguồn lực về máy bay, nhân sự, dịch vụ mặt đất… của VNA cũng như công nghệ quản lý hàng không giá rẻ của Jetstar Group.

Thay đổi đáng kể, cũng là giải pháp tái cơ cấu quan trọng nhất với JPA chính là cải tổ đội máy bay. Năm 2012, đội bay của JPA gồm 7 chiếc (2 A320 và 5 Boeing 737-400). Trong đó, máy bay Boeing 737 rất cũ, đa số trên 15 năm tuổi, chi phí sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng cao và không làm chủ được thời gian. Trước tình hình đó, VNA chủ trương tái cơ cấu đội bay sang chỉ toàn A320 và trẻ hóa đội bay. Khi đã chuyển sang A320 - dòng máy bay đồng nhất về dây chuyền sửa chữa với dòng A321 của VNA, JPA tận dụng được mọi nguồn lực sẵn có của VNA để tăng năng suất lao động, giảm chi phí.

Một loạt các giải pháp khác đều có chung mẫu số là thắt chặt các khoản chi; giảm lao động người nước ngoài, khuyến khích, tăng cường đào tạo lao động trong nước; không tăng lao động gián tiếp, chỉ tăng lao động trực tiếp phục vụ chuyến bay như phi công, tiếp viên và nhân viên phục vụ chuyến bay; kiến nghị cho giảm phí dịch vụ tại sân bay... Bên cạnh đó, các ông lớn đã sớm vạch ra cho JPA kế hoạch mở rộng mạng đường bay, đổi mới bộ nhận diện thương hiệu và đặc biệt là chiến lược thương hiệu kép cùng với VNA (Trong đó, đáng kể là chương trình mua vé của VNA, hành khách có thể đi trên chuyến bay của JPA với dịch vụ tương đương của VNA triển khai từ tháng 5 vừa qua).

Từ 4 đường nội địa (TPHCM - Hà Nội, TPHCM - Đà Nẵng, TPHCM - Vinh, TPHCM - Hải Phòng) khai thác đầu năm 2012, hiện JPA đang khai thác 32 đường bay nội địa và quốc tế, từ đầu 2015 đến nay JPA mở mới 11 đường bay nội địa.

Những chuyển biến tích cực của JPA và cam kết từ 2 cổ đông VNA cùng  Qantas được đánh giá sẽ tạo nên bước đệm mới cho sự phát triển của JPA, đặc biệt trong xu hướng cạnh tranh trong bầu trời mở ASEAN sắp tới.

MỚI - NÓNG