Kêu gọi lãnh đạo tối cao từ chức
Ngày 12/1, hàng nghìn người tụ tập bên ngoài Trường Đại học Amir Kabir để biểu tình chống chính phủ, kêu gọi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và truy tố những người chịu trách nhiệm vụ bắn hạ máy bay Ukraine.
Người biểu tình còn hô: “Khamenei thật đáng xấu hổ. Hãy rời đất nước”. Sau đó, cảnh sát Iran đã giải tán đám đông, trong đó có nhiều sinh viên và phong tỏa các con phố chính, hãng tin Iran FARS đưa tin.
Một lễ cầu nguyện, tưởng niệm các nạn nhân trên chiếc máy bay Boeing 737-800 của Ukraine International Airlines leo thang thành biểu tình sau khi chính phủ Iran thừa nhận quân đội nước này tưởng nhầm máy bay là mục tiêu thù địch và phóng tên lửa bắn hạ. Trong số 176 nạn nhân có 82 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh.
Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire bị bắt ở Tehran trong cuộc biểu tình bên ngoài cổng Trường Đại học Amir Kabir (gần Đại sứ quán Mỹ trước đây), báo Anh The Independent dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Anh.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Vụ bắt giữ đại sứ của chúng tôi ở Tehran mà không có cơ sở hoặc lời giải thích nào là sự vi phạm luật pháp quốc tế một cách trắng trợn. Chính phủ Iran đang ở ngã rẽ: Có thể tiếp tục tiến về phía tình trạng hạ đẳng bị cô lập về chính trị và kinh tế, hoặc có những bước đi để giảm căng thẳng và bước trên con đường ngoại giao phía trước”.
Ngày 12/1, trên Twitter, hãng tin Iran Tasnim (một tổ chức có mối liên kết với Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran) viết rằng, Đại sứ Anh bị tạm giữ “vì tổ chức biểu tình và phong trào đáng ngờ trước Trường Đại học Amir Kabir nhưng được thả sau đó (sau hơn 1 giờ bị tạm giữ)” và ông sẽ bị “Bộ Ngoại giao Iran triệu tập vào sáng mai”.
Báo Anh đưa tin, Đại sứ Macaire bị bắt khi dự một lễ cầu nguyện, tưởng niệm 176 người thiệt mạng trong vụ máy bay Ukraine bị tên lửa Iran bắn rơi hôm 8/1. Tuy nhiên, lễ tưởng niệm nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình và tại thời điểm đó, ông Macaire rời đi.
Tình báo Israel giúp Mỹ ám sát tướng Soleimani
Những người cấp tin ở sân bay quốc tế Damascus (Syria) đã cung cấp cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thời gian máy bay chở tư lệnh Iran Quassem Soleimani cất cánh để tới thủ đô Baghdad của Iraq, trong khi Israel khẳng định thông tin tình báo mà họ cung cấp cho người Mỹ. Tình báo Israel đã giúp Mỹ ám sát tướng Soleimani, hãng tin Mỹ NBC đưa tin ngày 12/1.
Trong khi đó, báo Mỹ The New York Times đưa tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước khi tư lệnh Soleimani bị giết, trở thành nhà lãnh đạo duy nhất trong khu vực được thông báo về chiến dịch ám sát tướng Iran.
Khi chiếc Airbus A320 của hãng hàng không tư nhân Cham Wings của Syria chở tướng Soleimani hạ cánh xuống Iraq, các điệp viên CIA tại sân bay quốc tế Baghdad khẳng định địa điểm chính xác của chiếc máy bay, NBC đưa tin. Sau đó, máy bay không người lái Reaper của Mỹ mang 4 quả tên lửa Hellfire vào vị trí trong không phận Iraq.
Các bức ảnh mà hãng tin Mỹ Fox News có được từ một nguồn trong chính phủ Mỹ cho thấy, khi bị giết, tướng Soleimani mang bên mình một điện thoại di động, một xấp tiền mặt trong ví, vài tập thơ, một khẩu súng lục và một khẩu súng trường tấn công. Các bức ảnh do lực lượng đặc nhiệm Mỹ chụp khi họ bí mật đi theo đoàn xe chở tướng Soleimani tại sân bay Baghdad hôm 3/1, báo Mỹ New York Post đưa tin ngày 12/1.
Theo Fox News, lính Mỹ kéo xác tướng Soleimani đang bốc cháy ra khỏi xe và dập lửa trước khi xác nhận danh tính của ông này. Thi thể ông Soleimani biến dạng nhiều, không còn tay chân. Lực lượng Mỹ ở phía sau đoàn xe khoảng 800m khi xe chở ông Soleimani rời sân bay; họ ở lại hiện trường trong vòng 2 phút để đánh giá thiệt hại của vụ không kích và để đảm bảo rằng, mục tiêu đã bị tiêu diệt.