Cách thành phố Pleiku (Gia Lai) chỉ khoảng 20km, huyện Ia Grai có nhiều tiềm năng phát triển các mặt hàng, sản phẩm nông nghiệp khi đỡ các chi phí vận chuyển. Vùng đất đỏ bazan màu mỡ của nơi đây là lợi thế mà hiếm nơi có được để cây nông nghiệp phát triển tốt. Cũng bởi vậy mà những năm qua, chính quyền huyện này đã hướng người dân tập trung đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm từ cây điều; huyện đang chú trọng xây dựng các tổ liên kết sản xuất điều theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Được biết, hiện nay người dân đã liên kết với Hợp tác xã Mật ong Phương Di xây dựng 2 tổ hợp tác sản xuất điều theo hướng hữu cơ.
Ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai cho biết, tổng diện tích cây điều trên địa bàn hiện có hơn 5,7 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại các xã phía tây của huyện (diện tích điều kinh doanh 5,5 nghìn ha). Theo ông Thắm, cây điều có khả năng chịu hạn tốt, không đòi hỏi kỹ thuật cao nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để cây điều phát triển bền vững, các địa phương cần có chính sách đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây cũng như liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
“Năng suất điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhất là thời điểm cây ra hoa. Bởi vậy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp huyện tạo điều kiện, hỗ trợ Hợp tác xã Phương Di liên kết với tổ hợp tác sản xuất điều tại các xã, thu mua sản phẩm và xây dựng thương hiệu Điều A Sanh. Chính thế dù năm nay gặp khó khăn về thời tiết nhưng sản lượng thu hoạch vẫn đạt được hơn 7,2 nghìn tấn”, ông Thắm chia sẻ.
Được biết, hiện trên địa bàn có các đơn vị thu mua hạt điều tiêu biểu như Hợp tác xã điều Ia Khai, đặc biệt Hợp tác xã mật ong Phương Di dùng sản phẩm để sản xuất sản phẩm hạt Điều A Sanh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 tỉnh Gia Lai.