Doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng:

'Chúng tôi muốn người Việt tự hào dùng hàng Việt'

0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cửa hàng Nutrimart sẽ bày bán các sản phẩm đặc sản của Việt Nam trên toàn quốc
Hệ thống cửa hàng Nutrimart sẽ bày bán các sản phẩm đặc sản của Việt Nam trên toàn quốc
TP - “Nỗi đau của người Việt là làm nhiều sản phẩm tốt nhưng trên các kệ hàng luôn bị lép vế. Chính phủ kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng chúng tôi mong muốn người Việt phải tự hào dùng hàng Việt”. Đó là những trăn trở mà doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) nói về nông sản Việt.

Khởi nghiệp từ nỗi đau căn nguyên bệnh ung thư

Tốt nghiệp ngành y và ra trường làm việc tại một bệnh viện quốc tế lớn, Nguyễn Thị Diễm Hằng bất ngờ chuyển hướng sang làm kinh doanh nông nghiệp.

Từng chứng kiến nỗi đau mất mẹ khi còn nhỏ vì căn bệnh ung thư, Hằng hi vọng nghề y sẽ giúp cô có điều kiện chữa trị những người mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân bị bệnh ung thư ngày càng đông. Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2014, khi vấn đề an toàn thực phẩm trở thành đề tài nóng hổi được cả xã hội quan tâm.

'Chúng tôi muốn người Việt tự hào dùng hàng Việt' ảnh 1

“Những DN khi có sản phẩm tham gia vào hệ thống Nutri Mart phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ vùng nguyên liệu đến nhà máy sản xuất. Đến nay, Vinanutrifood là đơn vị xây dựng được hệ thống khép kín từ trang trại đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chúng tôi đã đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như Halal, FDA, GlobalGAP…Các đơn vị khác, không có lý gì không thể làm được”.

Chủ tịch HĐQT Vinanutrifood cho hay

“Mình nghĩ căn nguyên của bệnh ung thư đến từ nguồn thực phẩm. Và tại sao, một nước có điều kiện phát triển nông nghiệp như Việt Nam, người dân không được ăn những thực phẩm sạch”, Hằng quan niệm.

Từ vị trí phó phòng của một bệnh viện, Hằng quyết định xin nghỉ việc để làm nông nghiệp. Lúc đó, người thân, đồng nghiệp đều ngăn cản, bảo cô “điên hay sao mà lao đầu vào đây” vì làm nông nghiệp rất rủi ro trong khi bản thân không có chút kinh nghiệm gì.

Quyết tâm khởi nghiệp bằng được, cô gái 26 tuổi xin bố “cắm” căn nhà được hơn 600 triệu đồng và háo hức bước vào nghề bằng trồng rau sạch và nhập rau bán sang Trung Quốc. Nhưng chỉ sau 6 tháng, số tiền này mất sạch sau những lần đánh hàng “non dại”.

'Chúng tôi muốn người Việt tự hào dùng hàng Việt' ảnh 2

Doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng cho rằng, làm nông nghiệp vất vả, nếu không có đam mê và quyết tâm, không thể làm được

“Mình nhập hàng rất nhiều, nhưng không đạt tiêu chuẩn nên đối tác không lấy. Lúc đó, mình rất suy sụp. Trong suốt 2 tuần, mình ở lỳ trong nhà và viết ra những gì đã làm, sai ở đâu, khâu nào. Cuối cùng, mình nhận thấy do bản thân không hiểu các quy định và đối tác. Mình đặt niềm tin quá nhiều vào nông dân và không kiểm nghiệm kỹ trước khi lấy hàng”, Hằng nhắc lại bài học đầu tiên khi khởi sự.

Sau lần khởi đầu trắng tay, Hằng quyết định xin gia đình bán căn nhà để tiếp tục có vốn làm ăn. Đó là căn nhà mà mẹ cô khi lâm bệnh từ chối cả hóa trị để giữ bằng được. Thấy con gái quyết tâm, bố Hằng đành chấp nhận. Từ có nhà riêng, gia đình Hằng phải chuyển ra ở trọ riêng trong căn phòng rộng 20m2 để dồn sức cho cô khởi nghiệp. Số tiền cả thảy được hơn 1,3 tỷ đồng.

Lần này, cô quyết tâm tìm hiểu kỹ hơn về thị trường và đối tác của mình. Suốt những ngày tháng “ăn sương, nằm gió” cùng một người chị biết tiếng Trung tại các chợ đầu mối nông sản ở Trung Quốc như Bằng Tường, Quảng Châu, Nam Ninh, Vân Nam… đã dần giúp cô hiểu rõ hơn về món nghề này.

Năm 2015 Hằng bắt đầu lập công ty và cùng các cộng sự xây dựng farm (trang trại) trồng nông sản hữu cơ. Đó cũng là bước giúp Hằng chuyển hướng sang cách làm chuyên nghiệp hơn. “Các farm đều sử dụng công nghệ cao và tự động hóa. Còn những farm kết hợp với người dân, công ty cử những kỹ sư xuống tận đồng giám sát ngay từ đầu, và hướng dẫn người dân trồng đúng tiêu chuẩn như VietGap, Global Gap… Gần như suốt tuần, anh, em ăn nghỉ trên cánh đồng”, chị chia sẻ.

Là người trẻ dấn thân vào làm nông nghiệp từ con số 0, Hằng quan niệm: Phải thực sự khác biệt mới tồn tại được trên thị trường đầy rủi ro này. Những vụ rau, Hằng và các cộng sự nghiên cứu hầu hết đều làm trái vụ với rau Trung Quốc để bán với giá tốt hơn. Với ưu thế nhạy bén về thương mại điện tử, Hằng cũng sớm đưa nông sản lên các “chợ” điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Taobao, Lazada, Tiki…Chỉ trong 2 năm, hệ thống bán hàng có thời điểm cả chục nghìn đầu mối bán sỉ, lẻ nhập hàng; kết hợp với các đầu mối đã xây dựng trước đó, công ty phát triển mạnh “như diều gặp gió”.

Mang đặc sản Việt vươn tầm thế giới

Sau quá trình xuất khẩu nhiều loại nông sản ra thị trường quốc tế, Hằng nhận thấy nếu nông sản Việt vẫn duy trì cách làm cũ, xuất khẩu thô sẽ rất khó cạnh tranh với hàng các nước. Chị nghĩ đến cách phải nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm để nâng cao giá trị cho nông sản nước nhà. Năm 2016, Hằng lặn lội sang Hàn Quốc, Trung Quốc để tìm hiểu về chế biến thực phẩm an toàn và học cách mở nhà máy, quy trình vận hành.

Trở về, chị bắt tay ngay vào làm những sản phẩm đầu tiên từ rau. “Thành công nhất là trà hòa tan từ rau cần tây. Đó là sản phẩm mình pha trộn cần tây, trà hòa tan, tảo xoắn, diệp lục kết hợp cùng collagen tạo nên loại nước ép thơm ngon bổ dưỡng làm đẹp da, đẹp dáng và tốt cho sức khoẻ”, chị chia sẻ.

Sau khi được người tiêu dùng đón nhận tích cực và thành công tại thị trường Trung Quốc với mạng lưới cung ứng cho hàng nghìn siêu thị tại nước này, sản phẩm cũng đã được chọn tham gia hội chợ quốc tế ở Dubai. Tại đây, nhiều chuyên gia, DN đã cảm thấy vô cùng bất ngờ với sản phẩm trà rau “made in Việt Nam”.

“Từ trước đến giờ, người nước ngoài cứ nghĩ sản phẩm Việt không tốt, không thể cạnh tranh được. Nhưng việc được thị trường quốc tế đánh giá cao khiến chúng tôi rất tự hào và vui sướng. Tôi thật sự đã bật khóc ngay tại hội nghị năm đó”, Chủ tịch Vinanutrifood nhớ lại.

Liên tiếp sau đó là những sản phẩm được chế biến sâu từ các thảo dược như dầu gội trị gầu hoa bưởi, bồ kết, nghệ nano, cao uống liền bồ công anh, cao uống liền chè vằng gai leo... Các loại nông sản được Vinanutrifood tận dụng hết các bộ phận để tối ưu hóa giá trị.

Với sự khát khao cống hiến không ngừng nghỉ, nữ doanh nhân quê gốc Hải Dương tiếp tục đau đáu về việc làm sao đưa những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng Việt. Bởi cô cho rằng, nỗi đau của DN Việt là làm nhiều sản phẩm tốt nhưng khi lên các kệ hàng thường bị lép vế so với hàng ngoại.

“Chúng tôi quyết tâm tiên phong thay đổi điều này bằng việc cho ra đời hệ thống cửa hàng Nutri Mart. Tại đây, chúng tôi sẽ cho bày bán các sản phẩm đặc sản của Việt Nam, các sản phẩm OCOP của 63 tỉnh, thành phố. Người dân ở 3 miền đều có thể tìm được sản phẩm đặc sản của nhau tại Nutri Mart. Chính phủ luôn kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng chúng tôi muốn người Việt phải tự hào dùng hàng Việt”, Hằng nói.

Cuối tháng 6 vừa qua, Nutri Mart đồng loạt khai trương 200 cửa hàng trên toàn quốc. Chỉ sau hơn 3 tháng đã cán mốc 500 cửa hàng và vươn mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt 1.000 cửa hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh, kết quả này là một sự phát triển ngoạn mục.

Lãnh đạo công ty Vinanutrifood cũng đặt kế hoạch sẽ đóng gói hệ thống Nutri Mart để chinh phục thị trường quốc tế. “Chúng tôi mong muốn người nước ngoài sẽ biết đến những sản phẩm tinh túy nhất của Việt Nam. Công ty đang hướng dẫn các đơn vị thiết kế lại bao bì và xây dựng thương hiệu, làm sao không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán cả câu chuyện văn hóa phía sau đó”, doanh nhân Nguyễn Thị Diễm Hằng chia sẻ.

MỚI - NÓNG