Chiều 8/7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc họp báo.
Đề thi có tính phân loại để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
Trước vấn đề phóng viên đặt câu hỏi: Theo nhiều giáo viên nhận xét, đề thi năm nay được đánh giá có những câu hỏi khó, phân loại cao hơn năm 2021?
Về vấn đề này, Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, từ nhiều năm nay việc kiểm tra đánh giá luôn theo ma trận đề. Đề thi cần đáp ứng 4 yêu cầu: Nhận biết- thông hiểu- vận dụng- vận dụng cao. Ma trận này được các nhà trường được thầy cô đưa ra đánh giá qua các bài kiểm tra trong quá trình học. Và đề thi của kì thi tốt nghiệp nhiều năm qua đều áp dụng như vậy.
Nội dung đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 không được đưa vào đề thi năm nay.
Cũng theo ông Thành, riêng năm 2020, dịch COVID- 19 vẫn kéo dài, năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT tinh giản nhiều nội dung dạy học, giảm tải chương trình đối với cấp THCS, THPT. Đến năm 2021-2022, Bộ vẫn có tiếp tục hướng này để làm sao phù hợp dạy học trong bối cảnh COVID-19.
Ông Thành cho rằng, chuyện dạy học trong bối cảnh đa dạng trên toàn quốc, trong dịch có tỉnh, thành phố nghỉ trực tuyến dài nhưng có nơi dạy trực tiếp nhiều. Việc đi học lại cũng có nhiều nơi tổ chức ôn tập và bộ trợ cho học sinh khác nhau dẫn đến chất lượng học nhiều nơi ở mức độ khác nhau.
“Khi làm đề thi nếu chúng ta làm đề để phù hợp với đối tượng thấp hơn thì không đảm bảo công bằng với những học sinh ở mức có kiến thức cao hơn. Về nguyên tắc đề thi vẫn đảm bảo theo như ma trận đáp ứng 4 yêu cầu"- ông Thành nêu quan điểm.
Vì theo ông Thành, nếu đề thi không có độ phân hóa tốt thì có thể nhiều em trình độ khác nhau mà cùng đạt điểm tối đa thì sẽ không công bằng.
“Việc đề thi mang tính phân loại ở đây không chỉ mục đích phục vụ xét tuyển trong công tác tuyển sinh đại học. Nói như Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, căn cứ vào kết quả của kì thi để nhìn lại kết quả dạy học trong một năm qua”- ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Như Ý |
Sẽ thông tin sớm về nghi vấn môn Toán
Đối với thông tin phản ánh lộ đề thi môn Ngữ văn được đăng trên báo chí và mạng xã hội trước giờ thi, thông tin về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT khẳng định đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi, đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng nêu quan điểm thêm: Thực ra với xác suất để đoán đúng vào 1 tác phẩm thì cũng có thể có. Tuy nhiên, câu hỏi về một nội dung nào trong tác phẩm ấy mới là quan trọng.
Trước câu hỏi của báo chí đối với nghi vấn đề thi môn Toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi. Vậy kết quả bước đầu ra sao? Lãnh đạo Bộ khẳng định, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin… Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành.
“Nếu có thông tin Bộ GD&ĐT sẽ thông báo sớm”- lãnh đạo Bộ khẳng định.
Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Trước câu hỏi về việc, tỷ lệ tốt nghiệp luôn cao đến hơn 90% thì Bộ GD&ĐT có tính đến phương án trả lại kì thi cho các địa phương hay không và phương án là bao giờ?
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các phương án thi trong năm tới, đặc biệt phương án thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Chúng tôi sẽ có phương án thi tốt nhất theo phương án thi mới để phù hợp với chương trình học mới”- đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định.
Ông Lê Mỹ Phong - phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin thêm, về phương án thi năm tới cơ bản được ổn định nhưng sẽ sớm được công bố.“ Còn chương trình 2025 sẽ có cách thi hoàn toàn mới,”- ông Phong nhấn mạnh.