Hơn 3.300 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập huyện, xã

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, có cơ chế cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng một cách linh hoạt số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại các đơn vị hành chính (ĐVHV) thực hiện sắp xếp.
Hơn 3.300 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập huyện, xã ảnh 1

Ảnh minh hoạ

Kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy, Chính phủ và các địa phương đều xây dựng phương án, lộ trình và cam kết, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.

Từ số liệu cập nhật theo văn bản của Bộ Nội vụ cho thấy, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ vào cuối tháng 7/2022 thì TP HCM còn 238 cán bộ, công chức cấp huyện tiếp tục phải sắp xếp. Các tỉnh có số lượng nhiều cán bộ, công chức cấp xã còn tiếp tục phải sắp xếp là Cao Bằng (374 người), Hòa Bình (349 người), Phú Thọ (402 người), Thanh Hóa (475 người)… Các tỉnh, thành phố có số lượng nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn phải tiếp tục sắp xếp, bố trí là Hà Tĩnh (34 người), Hòa Bình (61 người), Thái Bình (211 người), TP. Hồ Chí Minh (52 người)…

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức đã được các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, một số tỉnh như Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ninh đã tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã vào làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện (nếu bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp với vị trí việc làm) để vừa tận dụng nguồn lực, vừa bảo đảm chế độ cho cán bộ, công chức.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, các địa phương thực hiện các giải pháp như giải quyết nghỉ hưu theo chế độ; vận động nghỉ tinh giản biên chế theo quy định, nghỉ hưu trước tuổi để nhường cơ hội cho lớp trẻ… Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư thời gian qua có thuận lợi do các địa phương đều đang tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian dài chưa thực hiện tuyển dụng mới hoặc rất hạn chế bổ sung người làm việc mới khi có cán bộ, công chức nghỉ hưu nên còn vị trí khuyết trống trong bộ máy để điều chuyển.

Cũng theo số liệu từ Bộ Nội vụ, tính đến hết tháng 4/2022, ở cấp huyện đã sắp xếp, giải quyết được 291/706 cán bộ, công chức dôi dư; cấp xã đã sắp xếp, giải quyết được 6.657/9.705 cán bộ, công chức dôi dư. Số lượng biên chế cán bộ, công chức giảm được sau khi sắp xếp ĐVHC (do nghỉ hưu trước và đúng tuổi, thực hiện tinh giản biên chế) ở cấp xã là 3.595 người, ở cấp huyện là 141 người, điều này đã góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế…

Có chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức nghỉ việc

Tuy nhiên, hạn chế, khó khăn, vướng mắc vẫn là số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/6/2021, số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư cần phải giải quyết tiếp là 345 người, ở cấp xã là 3.048 người.

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức còn gặp khó khăn trong phân công công việc theo vị trí việc làm, bởi khung vị trí việc làm tại các xã, phòng, ban cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên rất khó để sắp xếp đội ngũ dôi dư. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một vị trí việc làm có nhiều công chức hơn so với quy định; không tránh khỏi việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức không đúng chuyên môn hoặc nguyện vọng của cán bộ, công chức trong thời gian đầu khi thực hiện sắp xếp; thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở một số địa phương còn lúng túng…

Đoàn giám sát đề nghị chưa xem xét đề xuất của một số địa phương về việc kéo dài thời hạn hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư từ 5 năm lên 7 năm kể từ khi nghị quyết về sắp xếp ĐVHC có hiệu lực.

Các địa phương liên quan cũng cần xem xét, tính toán giải pháp để xử lý vấn đề đứt gãy về độ tuổi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị có nhiều lao động dôi dư cần thực hiện tinh giản biên chế.

“Do cả thời gian dài không có tuyển dụng mới nên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được trẻ hóa thường xuyên, dẫn đến tình trạng trong cơ quan, đơn vị sẽ thiếu hụt người làm việc ở một dải độ tuổi nhất định, nếu không có kế hoạch, lộ trình bù đắp, khắc phục từ sớm thì sau này có thể sẽ tạo ra sự thiếu hụt về đội ngũ kế cận có chuyên môn tốt, có quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm phù hợp”, Đoàn giám sát nêu.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, có cơ chế cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng một cách linh hoạt số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp để bố trí tăng cường cho các cơ quan, đơn vị đang có nhu cầu bổ sung nhân lực dù đã bố trí đủ biên chế được giao nhằm phát hiện năng lực mới, tận dụng có hiệu quả số cán bộ, công chức, viên chức này. Qua đó góp phần nâng cao tính cạnh tranh, rà soát, sàng lọc người không đủ năng lực cả ở các cơ quan, đơn vị khác trong cùng địa bàn.

Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính được đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi nghỉ việc, chuyển công tác, nghỉ hưu trước tuổi… bảo đảm mức hỗ trợ đủ để người lao động có thể ổn định cuộc sống trong thời gian tìm công việc mới hoặc khi chuyển đến đơn vị công tác mới.

MỚI - NÓNG