Hồi ức Thành cổ Quảng Trị của hai người lính ở hai chiến tuyến

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuốn sách "Hồi ức Quảng Trị" của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha có kết cấu khá đặc biệt, với hai phần hồi ức của hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Điều này thể hiện rõ sự đối lập sâu sắc của mục đích, trách nhiệm và hành động cầm súng chiến đấu của hai người lính đại diện cho hai phía.

Cuốn sáchHồi ức Quảng Trị do nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha sưu tầm và biên soạn khắc họa sinh động về 81 ngày đêm trận chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Lễ ra mắt cuốn sách do NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức sáng 19/1.

Hồi ức Thành cổ Quảng Trị của hai người lính ở hai chiến tuyến ảnh 1

Nhiều người từng khoác áo lính dự cuộc giao lưu, ra mắt sách Hồi ức Quảng Trị. Ảnh: BTC.

Tác phẩm góp phần tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước, dân tộc và quân đội ta mà mảnh đất Quảng Trị, thành cổ Quảng Trị là một trong những địa danh tiêu biểu.

Những trang viết gửi gắm lời tri ân lớp lớp những người lính đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu để chiến đấu giành, giữ từng tấc đất non sông. Tên tuổi của họ đã trở nên bất tử.

Cuốn sách có kết cấu khá đặc biệt, với hai phần hồi ức của hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Đó là người lính cách mạng Đào Chí Thành (sau này trở thành tiến sĩ khoa học) và ông Nguyễn Thanh Quang - lính Việt Nam Cộng hòa.

Hồi ức Thành cổ Quảng Trị của hai người lính ở hai chiến tuyến ảnh 2

Tác giả Nguyễn Thụy Kha dày công sưu tầm tài liệu cho cuốn sách.

Trong khoảng 2 tháng, nhà xuất bản phối hợp với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha biên tập và hoàn thiện nội dung bản thảo trên nguyên tắc tôn trọng văn phong, cách dùng từ, đặt câu của tác giả hai bản nhật ký, hồi ký.

“Trong quá trình xây dựng cuốn sách, tôi hướng về sự hòa hợp dân tộc. Tinh thần dân tộc đã chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt”, nhà nghiên cứu Thụy Kha bày tỏ. Tác giả cho biết quá trình sưu tầm tài liệu phục vụ cho cuốn sách cũng rất công phu

Ẩn trong những dòng hồi ký của chiến sĩ Đào Chí Thành là cuộc sống gian khổ, thiếu thốn nơi chiến trường nhưng tràn ngập tình yêu thương, tình đồng đội, sự gắn kết máu thịt của những anh lính bộ đội Cụ Hồ.

Hồi ức Thành cổ Quảng Trị của hai người lính ở hai chiến tuyến ảnh 3

Chiến sĩ Đào Chí Thành - tác giả phần hồi ký của bộ đội Cụ Hồ.

Ở phía bên kia chiến tuyến, nổi bật lên là hình ảnh người lính thủy quân lục chiến nặng trĩu những tâm tư, sự đau đáu về cuộc chiến mà ở đó, họ phải chiến đấu vì sự sống còn của chính bản thân. Họ không có ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. Họ chiến đấu vì mục đích duy nhất là để bảo vệ tính mạng của mình, họ thấy sự cống hiến, hy sinh của mình là vô nghĩa.

Hồi ức Thành cổ Quảng Trị của hai người lính ở hai chiến tuyến ảnh 4

Cuốn sách Hồi ức Quảng Trị xuất bản năm 2024.

Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Thái Bình khẳng định lần đầu có một cuốn sách đặt song song hai bản nhật ký, hồi ký của hai người lính ở hai đầu chiến tuyến trong một cuộc chiến đấu dài ngày, cam go.

"Chính điều này đã thể hiện rõ sự đối lập sâu sắc của mục đích, trách nhiệm và hành động cầm súng chiến đấu của hai người lính đại diện cho hai phía: chính nghĩa và phi nghĩa, tự nguyện, cống hiến và bắt buộc, cam chịu, lý tưởng và vô cảm, khát vọng và vô vọng. Vết thương chiến tranh đã dần được hàn gắn. Tuy nhiên, với những người lính, ở cả hai phía, đó là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời họ", ông Nguyễn Thái Bình nói.

MỚI - NÓNG