Mùa hè rực lửa Quảng Trị được nhiều tác giả đưa vào tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu. Thế nhưng dàn dựng đề tài chiến tranh cách mạng cho sân khấu chèo quả là thách thức. NSND Trịnh Thúy Mùi thừa nhận đề tài chiến tranh cách mạng không phải lợi thế của chèo - vốn chuộng đề tài lịch sử, trữ tình. Thế nhưng ê-kíp thực hiện biến thách thức thành lợi thế.
Đạo diễn Trịnh Thúy Mùi còn mời NSND Minh Thu hướng dẫn hát chèo cho các diễn viên Đoàn chèo Hải Phòng. Tác giả Đức Minh chuyển thể chèo từ kịch bản Mưa đỏ do chính tác giả Chu Lai viết. Đạo diễn còn mời được “đội mạnh” như nhạc sĩ NSƯT Đào Tuấn Hải, NSƯT Đạt Tăng, biên đạo Hoài Anh.
Mưa đỏ tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị của quân và dân ta. |
“Câu chuyện mà chỉ có chiến tranh, lúc nào cũng súng đạn ùng oàng thực sự rất căng. Khi ấy làn điệu chèo chính là yếu tố làm mềm câu chuyện. Tất nhiên điều này không làm cho chiến tranh trở nên yếu mềm, đôi khi chút lãng mạn, tình yêu trong chiến tranh giúp cho con người ta thêm sức mạnh để chiến thắng”, NSND Trịnh Thúy Mùi phân tích.
Mưa đỏ lấy bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, khắc họa các tuyến nhân vật ở hai bên chiến tuyến. Cường là chiến sĩ giải phóng, là sinh viên sân khấu điện ảnh gác ước mơ vào chiến trường tiếp bước người cha anh dũng đánh giặc. Phe bên kia là Quang - tay trung úy đội hắc báo, nhưng còn chút trắc ẩn khi hai lần tha chết cho o Hồng chèo đò vì mến sự hiên ngang, kiên cường của cô gái.
Chất lãng mạn, trữ tình được đan cài khéo léo trong những tình huống chiến trận khốc liệt. |
Từ tiểu thuyết đồ sộ lên sân khấu với gần hai giờ đồng hồ, phiên bản chèo Mưa đỏ không chỉ làm nổi bật cuộc chiến cam go mà còn đi sâu vào tâm lý con người, những số phận trong thời chiến. Không chỉ có sự khốc liệt của chiến tranh, đạo diễn giữ được tinh thần nhân văn trong tác phẩm được nhà văn Chu Lai nhấn mạnh nhiều lần. Điều này được thể hiện qua hình tượng hai bà mẹ ở hai phe chiến tuyến, cùng mất con ở thành cổ Quảng Trị tình cờ gặp lại nhau sau khi hòa bình lập lại.
Vở chèo Mưa đỏ được công diễn đêm đầu tiên 22/7 tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Sự chắc tay trong dàn dựng của đạo diễn được cộng hưởng với dàn diễn viên, nghệ sĩ thực lực và tâm huyết.
Nam diễn viên chính được giao cho Nhật Hóa - một trong những giọng nam ngọt nhất xứ Thanh. Nhật Hóa được NSND Thúy Mùi mời ra Hải Phòng chinh phục khán giả nhờ cả thanh lẫn sắc. Nam diễn viên chỉ có 10 ngày chuẩn bị sau khi nhận kịch bản.
Khán giả xúc động trước vở chèo về đề tài chiến tranh cách mạng. Ảnh: CMH. |
“Chúng tôi cũng may mắn vì Hải Phòng có lực lượng nghệ sĩ đương ở độ chín. Gần 30 năm nay Hải Phòng chưa có tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, vì thế chúng tôi muốn tạo ra tạo phẩm, cho diễn viên có cảm xúc mới, thử thách mới”, NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ. Trong số diễn viên nổi bật của Hải Phòng có thể kể tới NSND Văn Mởn, các diễn viên Đăng Kiên, Yến Thanh, Thùy Dung và đặc biệt Thùy Dương - nữ diễn viên gánh vai o Hồng chèo đò trong Mưa đỏ.
Nhật Hóa chinh phục khán giả ở cả thanh lẫn sắc. |
Từ ngày vào nghề gần 17 năm nay ở Hải Phòng cô chưa từng tham gia vở diễn nào về đề tài chiến tranh cách mạng, Thùy Dương hồi hộp nhận vai o Hồng, sút gần 5 kg để chuẩn bị cho vai diễn. Tự nhận yêu chèo tới phát ngộ, Thùy Dương hạnh phúc khi được nhận vai cô rất mong chờ gần 20 năm nay. O Hồng có nội tâm giằng xé để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.
Là cô gái Huế đảm nhận vị trí chèo đò đưa bộ đội, chở thương binh qua sông, chính vì thế để hóa thân thành o Hồng Thùy Dương vượt qua giới hạn của bản thân khi thoại, ca hò Huế mượt mà với chất giọng Huế nhưng khi hát chèo cũng cho thấy sự chắc chắn, đầy sức thuyết phục.
Yếu tố nhân văn, tinh thần hòa giải dân tộc khép lại vở Mưa đỏ. |
Mưa đỏ là một trong những tác phẩm thuộc đề án sân khấu truyền hình của Hải Phòng - mỗi tháng một tác phẩm sân khấu được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình thành phố hoa phượng đỏ. Đây cũng là chủ trương sáng đèn nhà hát thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chủ trì.
Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng - nói rằng Mưa đỏ chính là lời tri ân đặc biệt trong tháng 7 cả nước hướng về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. “Ngoài chất bi hùng của câu chuyện, Mưa đỏ còn đầy chất thơ, lãng mạn trong chiến tranh về tình yêu của con người rất phù hợp để dàn dựng cho sân khấu chèo. Chúng tôi bàn bạc với NSND Trịnh Thúy Mùi dàn dựng Mưa đỏ vào đúng dịp 27/7 tri ân Ngày Thương binh - Liệt sỹ”, bà Trần Thị Hoàng Mai nói.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chia sẻ điểm sáng đề án sáng đèn nhà hát thành phố. Ảnh: Nguyên Khánh. |
Nhà hát thành phố Hải Phòng dần trở thành điểm hẹn của văn nghệ sĩ thành phố Hải Phòng và nghệ sĩ cả nước. Bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết Sở VHTT Hải Phòng mời nhiều đạo diễn danh tiếng của sân khấu kịch nói, múa rối, cải lương từ Hà Nội về dàn dựng và biểu diễn, như NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Bùi Như Lai...
Lãnh đạo Sở VHTT Hải Phòng cùng nhà văn Chu Lai tặng hoa đạo diễn và ê-kíp sáng tạo Mưa đỏ. |
Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Trần Thị Hoàng Mai bày tỏ niềm vui trước sự đón nhận của khán giả Hải Phòng. Sự chuyển biến thể hiện ở chỗ từ ngại ngần đến rạp hát sang hào hứng đặt vé online, khán giả quen với điểm hẹn sân khấu cuối tuần. Đề án sân khấu truyền hình, kế hoạch sáng đèn nhà hát thành phố của Sở VHTT Hải Phòng đem lại đời sống tinh thần phong phú hơn cho người dân đất cảng.
Sau đêm diễn mở màn thành công, ê-kíp tiếp tục trình diễn theo kế hoạch sáng đèn của thành phố vào 29, 30/7. Giám đốc Sở VHTT Hải Phòng cho biết sẽ đưa tác phẩm tới gần hơn với khán giả ở các khu công nghiệp.