Nhiều giáo viên cho rằng, hội thi mang tính hình thức, đa số thầy cô “diễn”, “gà” bài cho học sinh. Thông tư mới của Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định tiếp tục tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi nhưng các cơ sở không ép buộc, tạo áp lực cho giáo viên.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định một số điểm mới như việc rút ngắn thời gian thông báo giờ dạy. Cụ thể, giáo viên chỉ được thông báo trước thời điểm dạy không quá 2 ngày, không được dạy thử tiết dạy trước hội thi.
Kết quả hội thi là minh chứng để giáo viên tham gia đánh giá chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chế độ chính sách. Giáo viên được công nhận dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy đã tham gia hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ kinh nghiệm.
Cô M.T.H, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, từng tham gia hội thi và phải chịu nhiều áp lực đến mức gầy rộc người để chuẩn bị thi. Tuy nhiên không phải giáo viên nào cũng tham gia với tinh thần đó, có người đi xin sáng kiến kinh nghiệm, có người được soạn sẵn giáo án và dạy thử nhiều lần.
Cô Hà Thị Hiền, giáo viên Trường tiểu học và THCS Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết, từ khi ra trường, cô chưa từng bỏ kỳ thi giáo viên dạy giỏi nào. Năm 2015-2016, cô giành giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn, trở thành giáo viên cốt cán nên mới dừng lại. Cô Hiền cho rằng, hội thi chính là cơ hội để giáo viên khẳng định mình, đồng nghiệp, cấp trên đánh giá, ghi nhận sự cố gắng đó của giáo viên nhưng không nên ép buộc giáo viên tham gia.
Trên thực tế, có những hội thi không được tổ chức đúng tinh thần Bộ GD&ĐT đưa ra. Cụ thể như khi thi giáo viên giỏi ở cấp huyện, một số giáo viên tìm giải pháp đối phó thay vì tự tìm tòi, nghiên cứu, nhất là phần sáng kiến. “Đây là phần bất cập của hội thi. Nhiều năm đi làm giám khảo hội thi này, tôi thấy nhiều sáng kiến kinh nghiệm na ná nhau”, cô Hiền chia sẻ.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng Bộ GD&ĐT phải có cách thức nào đó để “hóa vàng” những giờ dạy diễn vì lâu nay nhiều giáo án bài thi không phải là sản phẩm, trí tuệ của cá nhân mà đa số là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Sau khi giáo viên soạn bài, cả tổ góp ý, dạy thử các lớp, lại góp ý, sửa đổi giáo án. “Một giờ dạy học không có yếu tố trung thực ngay từ phía giáo viên đã kéo giá trị cuộc thi đi xuống. Vô hình trung khiến hội thi đi “chệch đường ray” với mục tiêu đặt ra”, cô Tuyết nói.