Hồi sinh biệt thự Pháp trăm tuổi giữa lòng Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nhiều năm bị bỏ hoang, ngôi biệt thự cổ rộng gần 1.000m2, tọa lạc ở vị trí “kim cương” số 49 Trần Hưng Ðạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) đã được lên phương án trùng tu để bảo tồn di sản kiến trúc cho Hà Nội, đồng thời trở thành không gian giao lưu văn hóa cho người dân Thủ đô và du khách.

Di sản bị “bỏ quên”

Di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội phong phú về quy mô, thể loại cũng như phong cách mà không một thành phố nào ở Đông Nam Á có thể sánh được. Trải qua khoảng 70 năm xây dựng (1875 - 1945), Khu phố Pháp ở Hà Nội để lại những dấu ấn mạnh mẽ cho Thủ đô. Hàng trăm ngôi biệt thự được xây dựng với diện mạo theo phong cách quy hoạch và kiến trúc Pháp cùng tồn tại song song với những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam, tạo nên sự giao thoa, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đặc sắc.

Tuy nhiên, những năm gần đây, rất nhiều biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp đã xuống cấp, các công trình không còn giữ nguyên đường nét kiến trúc ban đầu. Theo ý kiến của giới chuyên gia, đây thực sự là một điều đáng tiếc, bởi sự lớn mạnh và giàu có của một thành phố trước hết nằm ở việc biết bảo tồn các di sản, giữ gìn những ký ức làm nên hồn phố. Vì vậy, với việc bảo tồn, cải tạo các công trình biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp, Hà Nội có thể hãnh diện vì vừa là một thành phố hòa bình hiện đại, đồng thời là một thành phố của nghệ thuật và lịch sử.

Hồi sinh biệt thự Pháp trăm tuổi giữa lòng Hà Nội ảnh 1
Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài có lối kiến trúc Pháp cổ đặc trưng thời kỳ đầu thế kỷ XX chuẩn bị được tu bổ. Ảnh: Duy Phạm

Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo- 46 Hàng Bài là một trong những biệt thự thuộc diện được xây dựng vào thời kỳ đầu, đang bị xuống cấp trầm trọng cần phải được bảo tồn khẩn cấp. Ngôi biệt thự kiểu Pháp với quy mô 2 tầng mái ngói, nằm trên khu đất rộng gần 1.000m2 tọa lạc một vị trí “kim cương” với hai mặt phố, có mặt chính tại số 49 Trần Hưng Đạo, một mặt là số 46 Hàng Bài, cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 500m, nhưng lại bị bỏ hoang nhiều năm khiến nhiều người tiếc nuối.

Mặc dù xuống cấp nhưng đến nay dấu ấn của lối kiến trúc Pháp đặc trưng vẫn còn hiện diện qua từng chi tiết hoa văn, màu sắc của từng mảng tường loang lổ hay trên những cánh cửa cũ. Để bảo quản hiện trạng, tránh nguy cơ sụp đổ, UBND quận Hoàn Kiếm đã làm nhà bao che để bảo quản trong thời gian vừa qua.

Để bảo tồn căn biệt thự có kiến trúc đặc biệt đang xuống cấp nghiêm trọng, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Thủ đô Paris (PRX) lên phương án tu bổ biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài. Trước đó, dự án bảo tồn căn biệt thự cổ này được TP Hà Nội và vùng Ile-de- France ký Biên bản ghi nhớ năm 2013, thống nhất trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên, phải chờ đến 10 năm ý tưởng hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp có ý nghĩa giữa Hà Nội mà không đô thị nào ở khu vực Đông Á có mới được hiện thực hóa.

Sau khi giải phóng mặt bằng, lên phương án thiết kế, quận Hoàn Kiếm cùng với PRX tổ chức trưng bày triển lãm, xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư đối với phương án cải tạo nhà biệt thự tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài. Trong phương án thiết kế, quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành tu bổ khôi phục lại không gian vốn có, phục hồi cầu thang bộ tại tầng 1, 2; khôi phục cổng, hàng rào phù hợp với công trình cảnh quan xung quanh; cải tạo mái dốc hai phía, máng nước mưa; rãnh thoát nước; máng xối; ống khói; bổ sung không gian cây xanh, cảnh quan, sân vườn, trang trí chiếu sáng mặt ngoài sân vườn,...

Đánh giá về ý nghĩa của dự án, ông Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Đây là dự án TP Hà Nội cùng với PRX lựa chọn đề trùng tu đặt ra một biệt thự mẫu từ năm 2014 và quận Hoàn Kiếm được thành phố giao là đơn vị thực hiện dự án này. Sau khi tiếp nhận dự án, quận đã tiến hành giải phóng mặt bằng di chuyển toàn bộ các hộ dân trong khu vực, đồng thời tập trung nghiên cứu, lên phương án thiết kế theo đúng kế hoạch đề ra. Cải tạo biệt thự tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài là một trong những dự án đầu tiên TP Hà Nội chính thức thực hiện đối với việc bảo tồn biệt thự trên địa bàn của Thành phố. Việc được giao triển khai phục dựng một công trình có giá trị kiến trúc cao đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ là bài học kinh nghiệm cho việc tu bổ và bảo tồn biệt thự tại thành phố trong thời gian tới...”.

Hồi sinh biệt thự Pháp trăm tuổi giữa lòng Hà Nội ảnh 2
Sau khi hoàn thành tu bổ, biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài sẽ trở thành không gian giao lưu văn hóa (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)

Biệt thự Pháp cổ trở thành không gian văn hóa

Theo thông tin từ Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, việc bảo tồn, phục hồi biệt thự sẽ giữ nguyên các yếu tố gốc tu bổ cho toàn bộ công trình, phục hồi không gian vốn có. Để bảo tồn công trình này, giải pháp đầu tiên là bảo vệ tối đa các hạng mục của công trình. Điều này cần đến trình độ của người thiết kế, cần khôi phục đúng như nguyên mẫu. Sau khi tu bổ xong, ngôi biệt thự sẽ phát huy giá trị trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ sẽ là nơi kết nối giữa các di sản với không gian di sản vô giá quận đang sở hữu, có khả năng tiếp đón nhiều đoàn khách tham quan đến thưởng lãm hàng tuần.

Nói về ý nghĩa của việc tu bổ các biệt thự cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tại buổi Tọa đàm ngày 25/12/2021về “Di sản đô thị - duy trì và phát triển tiếp nối” diễn ra tại 22 Hàng Buồm, GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia phát biểu: Hà Nội là đô thị sở hữu di sản, gồm khu phố cổ, khu phố thời Pháp thuộc... Nghệ thuật tạo cảnh Việt Nam dung hoà, ứng xử mềm mại, khai thác tối đa, phát huy cái tự nhiên và cái của mình một cách nhuần nhị. Cái đẹp của Hà Nội chính trong sự nhuần nhị, hoà quyện giữa khu phố tây và ta, hài hoà với nền cảnh quan thiên nhiên. Di sản trong các đô thị giống như các sinh thể, chúng có đời sống riêng. Vì vậy chúng ta nên ứng xử đúng đắn với các di sản này. Việc cải tạo, tu bổ các biệt thự cổ thành những địa chỉ giao lưu văn hóa của Thủ đô, với nhiều hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội là điều đáng làm.

"Việc được giao triển khai phục dựng một công trình có giá trị kiến trúc cao đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ là bài học kinh nghiệm cho việc tu bổ và bảo tồn biệt thự tại thành phố trong thời gian tới...”.

Ông Phạm Tuấn Long -

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

Có mặt tại buổi khai mạc triển lãm xin ý kiến đối với phương án cải tạo nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, ông Nicolas Warnery, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đang đứng trước một công trình di sản có giá trị của Hà Nội, tuy nhiên ai cũng thấy hiện trạng đang xuống cấp nghiêm trọng. Với tư cách là đại diện của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, chúng tôi khẳng định rằng, chúng tôi luôn luôn ủng hộ toàn diện đối với tất cả các dự án bảo tồn di sản, công trình của đô thị ở Hà Nội”.

Gắn bó với căn biệt thự trên phố Hàng Bài gần 30 năm, ông Hoàng Thúy Toàn (sinh năm 1938) xót xa khi công trình xuống cấp. Nghe tin ngôi nhà được trùng tu, cải tạo, vị dịch giả kỳ cựu vô cùng xúc động: “Tôi mừng lắm khi biết nơi đây sẽ được trùng tu và thành không gian thông tin về công việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản kiến trúc của Pháp. Tôi xin đóng góp tất cả những gì mình còn giữ lại về ký ức thuộc về NXB Văn học xưa gắn liền với ngôi biệt thự này, như những bản thảo đầu tiên của cụ Đào Duy Anh viết về Hồ Chủ tịch, những bài thơ của tác giả Nguyễn Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tường, các hình ảnh về các tác giả nổi tiếng của nền Văn học Việt Nam hiện đại… Tôi tin đó là những hình ảnh giàu giá trị về văn hóa và lịch sử”.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Việc làm của thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm trong việc hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp rất đáng hoan nghênh. Kế hoạch này trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn do những phức tạp về quyền sở hữu, dẫn tới việc giải toả vô cùng khó, tốn kém công sức và tiền bạc. Tuy thế, tôi tin đây sẽ là hạt nhân để chúng ta tiếp tục suy nghĩ về việc phục hồi lại một phần giá trị vốn có của Hà Nội, điển hình là những ngôi biệt thự”.

MỚI - NÓNG