Hội sách to nhất Hà Nội

Một góc hội sách. Ảnh: Trung Dũng
Một góc hội sách. Ảnh: Trung Dũng
TP - Trong những ngày này, Hội sách Hà Nội 2014 đang diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long - vừa rộng rãi không gian tổ chức sự kiện tôn vinh văn hóa đọc vừa mang ý nghĩa sâu sắc với việc đọc sách, chơi sách và tìm hiểu lịch sử.

Lều văn - Quán sách

Từ cổng Hoàng Diệu đã thấy các gian hàng được bố trí khít khao bao quanh thảm cỏ. Đúng là trên trời dưới đất ở giữa là sách và… biển giảm giá.

Một hội chợ mang đầy đủ lý do từ kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô đến 15 năm Hà Nội - Thành phố hòa bình - như lời quảng cáo, nên các đơn vị làm sách không bỏ qua dịp quảng bá thương hiệu.

“Trưng bày, quảng cáo thương hiệu là chính. Nếu muốn bán nhiều sách đã tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Nhà mình bán loại độc quyền sách tham khảo cho học sinh, không bán sản phẩm đa dạng của các đơn vị khác” – đại diện một NXB cho biết.

“Giảm 30-50%. Trăm nghìn được 5 cuốn toàn sách đẹp sách hay, rẻ ơi là rẻ!”.

Chị Huệ ở Cầu Diễn

Cũng “ra hội chợ làm thương hiệu”, chị Hiền – nhà sách Tiền Phong cho biết: “Nhiều đơn vị làm PR trước với mục đích bán sách. Chúng tôi có hơi khác, tập trung vào sản phẩm.

Do diện tích phân phối giới hạn nên sách mang đi đều rất tiêu biểu, giá cả lại hợp lý. Dù vị trí ở sâu một chút nhưng do có thương hiệu nhất định nên khách ghé đông”. Đứng tại quán sách màu đỏ bắt mắt thấy có khách hỏi mua số lượng lớn. Hình như để biếu.

Giữa các quán sách là không gian trưng bày theo chuyên đề, gọi vui là “lều văn”. Sáu căn lều đặt dọc hai bên trục hoàng đạo sân Hoàng thành. Phối cảnh giống cái gáo vuông. Lều là cán, quán là gáo, múc văn chương.

Ai quan tâm Hà Nội thì vào Thăng Long xưa - Hà Nội nay, hướng về biển đảo có Hà Nội với biển đảo quê hương. Chuyên đề Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trưng bày 4 cuốn Đại tướng tặng Thư viện Quân đội năm 1977 như Những năm tháng không thể nào quên.

Tuy nhiên điểm nhấn nhóm chuyên đề không nằm trong lều mà tại phòng tư liệu Hành trình của sách. Vòng quanh triển lãm này, người ta nhặt được nhiều thứ. Tri thức sách cổ của người Việt, người Hà Nội chẳng phải dễ tập hợp đầy đủ như thế.

Từ khách tới ông đồ

Từ tối khai mạc, lượng khách hẳn khiến các bác trông xe hài lòng. Người dân đâu nỡ từ chối cơ hội mua sách hay giá rẻ. “Giảm 30-50%. Trăm nghìn được 5 cuốn toàn sách đẹp sách hay, rẻ ơi là rẻ!” – chị Huệ ở Cầu Diễn thốt lên.

Các bà mẹ đưa con đến đây nhiều người chung quan điểm ấy. Buổi tối Hoàng thành, nghe một mẹ đọc trên tấm pano: “Mùa thu năm 1010, đoàn binh thuyền từ dòng Hoàng Long xuôi theo sông Đáy cập bến thành Đại La. Từ dưới chân thành vua nhìn thấy đám mây hình rồng bay lên mới đổi thành Thăng Long” rồi quay ra hỏi con trai vua đấy là vua nào, đọc sách rồi còn nhớ không?

Một khách nam lần đầu đi hội nói thấy hay, đơn giản vì bày nhiều sách quá, như sách về đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ lâu rồi cũng có. Còn “ông đồ” Vương Bỉnh - CLB UNESCO Thư pháp Việt Nam ngồi quầy cho chữ nhận xét: “Mấy ông bạn già ba hôm nay chỉ lùng mua sách. Có cuốn làm đẹp, công phu, tác giả nổi tiếng mà giá lại rẻ”.

Nhiều và rẻ rõ ràng là tiêu chí không chính thức. Sách giá mớ rau, lạng thịt nhan nhản. Người mua người xem xúm đen xúm đỏ. Một khách phàn nàn “Tạp pí lù”. Cô bạn buông câu: “Hàng đổ đống mới rẻ”. Nghe có nên buồn? Giá tiền chỉ để ghi bìa sách. Giá trị văn hóa mới quan trọng.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.