Hội chứng kiệt sức, chuyện người trong cuộc (Bài cuối): Cách nào thoát 'lưỡi hái' kiệt sức?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trạng thái kiệt sức trong công việc dường như ai cũng gặp phải nhưng không dễ để tự nhận thức được tình trạng đó. Để thoát khỏi vòng lặp burnout, chuyên gia tâm lý, xã hội học, bác sĩ trị liệu đã có những khuyến nghị để giảm thiểu tình trạng này và gợi ý cách để người lao động trẻ cân bằng giữa áp lực công việc và kỳ vọng của bản thân.

Nguy cơ rối loạn tâm thần

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS.BS Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các biểu hiện về Hội chứng burnout không dễ để mỗi cá nhân nhận ra.

Về thể chất, người mắc hội chứng này sẽ có cảm giác mệt mỏi, cạn kiệt sức lực, đau cơ, đau đầu, chất lượng giấc ngủ kém hơn người bình thường, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt khó kiểm soát.

Về tinh thần, BS. Cầm nhấn mạnh đến các dấu hiệu như kiệt sức cảm xúc liên quan đến nội dung công việc, luôn cảm thấy thua cuộc, thất bại, nghi ngờ về bản thân, cô đơn, luôn có cảm giác mọi người chống lại mình, giảm thỏa mãn với công việc.

Từ đó biểu hiện hành vi ra bên ngoài như xu hướng trốn tránh, trì hoãn thời gian dài hơn để hoàn thành công việc, thu mình, ít tiếp xúc với người khác, bắt đầu công việc một cách khó khăn, chậm trễ hơn trước, lạm dụng chất kích thích, hay trút giận lên người khác.

Hội chứng kiệt sức, chuyện người trong cuộc (Bài cuối): Cách nào thoát 'lưỡi hái' kiệt sức?  ảnh 1

Tiến sĩ Lãnh đạo giáo dục Lê Nguyên Phương, chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại University of Southern California (USC, Mỹ)

Hội chứng kiệt sức, chuyện người trong cuộc (Bài cuối): Cách nào thoát 'lưỡi hái' kiệt sức?  ảnh 2

TS. Phan Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Khi người mắc hội chứng này kéo dài, nó sẽ là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu... “Mặc dù, hội chứng này hiện nay chưa được xem là một loại bệnh nhưng nó lại xảy ra phổ biến ở người lao động. Vì chưa được xem là một loại bệnh nên đôi khi chúng ta đã xem nhẹ, lờ đi, không chủ động tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý hay bác sĩ trị liệu”, TS.BS Cầm nói.

Ai “đốt” hết năng lượng người trẻ?

Mức độ bị ảnh hưởng bởi hội chứng kiệt sức giữa các nghề nghiệp, thu nhập, giới tính hoặc tuổi tác có sự khác biệt rõ rệt. Theo TS. Phan Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhóm nghề nghiệp thường xuyên phải đối mặt với hội chứng trên là bác sĩ, điều dưỡng, giáo viên, công nhân, nhân viên ngân hàng, bởi họ phải tiếp xúc với nhiều người, chịu sức ép khá lớn để đáp ứng các yêu cầu công việc một cách nhanh chóng, chính xác.

Liên quan đến giới tính, TS. Hà dẫn một vài nghiên cứu minh chứng cho việc nhân viên nữ thường cảm thấy bị “cháy sạch” nhiều hơn nam giới. Như phân tích của McKinsey về phụ nữ ở nơi làm việc đã chỉ ra, có 42% phụ nữ cảm thấy kiệt sức trong khi con số này ở nam là 35%. Một nghiên cứu của LinkedIn cũng khẳng định xu hướng này với tỷ lệ 74% phụ nữ bị stress vì công việc so với 61% nam giới.

Qua đây, TS. Hà lý giải vấn đề này với hai khả năng như sau: Thứ nhất, khả năng phụ nữ phải làm các công việc không được trả công cao hơn nam giới. Họ vừa phải làm công việc toàn thời gian vừa phải đảm nhận việc nhà và điều này khiến cho họ bị kiệt sức. Thứ hai, phụ nữ ít được thăng chức và chủ yếu được đề bạt vào các vị trí quản lý cấp thấp hơn nam giới.

“Thế hệ Gen Z tham gia lực lượng lao động trong bối cảnh đại dịch toàn cầu lạm phát gia tăng, suy thoái kinh tế và xung đột chính trị dễ bị mắc hội chứng này. Nhất là đối với những người cảm thấy họ có ít quyền kiểm soát và chưa có sự nghiệp ổn định. Đây là thế hệ chịu nhiều áp lực đạt thành tích cao nhưng lại bắt đầu sự nghiệp trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động”, TS. Hà bàn luận.

Phân tích sâu hơn, TS. Lê Nguyên Phương (Viện Tâm lý Việt Pháp) cho biết, hiện chưa có các nghiên cứu toàn diện về những tác nhân hay nguyên do chính trong phương cách lao động và văn hóa công sở ở Việt Nam góp phần gây ra sự gia tăng của hội chứng kiệt sức.

Tuy nhiên, khi người lao động gặp áp lực công việc lớn, đòi hỏi phải làm việc ngoài giờ, thường xuyên phải đưa việc về nhà làm tiếp. Chưa kể, quản lý lại xem người làm việc hiệu quả là người ở lại muộn nhất, vô tình hay hữu ý coi thường thời gian nghỉ ngơi, giải lao…Điều đó cho thấy, tâm lý ít tôn trọng ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng, người lao động có thể thường xuyên bị làm phiền khi đã tan ca.

Một yếu tố khác là văn hóa cạnh tranh, so đo giữa đồng nghiệp dẫn tới tâm lý căng thẳng, lo sợ không chỉ bị đào thải mà bị gièm pha chỉ trích. Đây cũng là yêu tố dẫn đến một môi trường làm việc kém lành mạnh và biến nơi công sở thành một bãi chiến trường mà sự căng thẳng luôn leo thang.

Hội chứng kiệt sức, chuyện người trong cuộc (Bài cuối): Cách nào thoát 'lưỡi hái' kiệt sức?  ảnh 3

TS.BS. Vũ Thy Cầm đang thăm khám bệnh nhân Ảnh: Châu Linh

Cách nào tìm lại cân bằng?

Dù hiện tượng burnout và trầm cảm là hai vấn đề riêng biệt, tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ và có tác động lẫn nhau nếu không được xử lý thích hợp.

Khi cảm thấy kiệt sức, không thoát được hoàn cảnh, không tìm thấy ý nghĩa trong công việc kéo dài, người bị kiệt sức dễ rơi vào trầm cảm. Ngược lại, những người đã từng bị trầm cảm cũng dễ bị kiệt sức hơn do cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.

Vì vậy, theo TS. Lê Nguyên Phương (Viện Tâm lý Việt Pháp), người lao động cần cho bản thân nhiều thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tạm thời ngắt kết nối với công việc để thư giãn và tái tạo lại năng lượng, dành nhiều thời gian hơn để ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng, phát triển các sở thích mới, tham gia hoạt động xã hội, mở rộng mối quan hệ nơi công sở.

Cùng tìm ra giải pháp, TS. Phan Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam khuyến nghị, cá nhân mỗi người lao động cũng cần thay đổi quan điểm của bản thân và đặt ra các giả định của mình khi đối mặt với tình trạng kiệt sức.

Xét về độ tuổi người lao động, những người dưới 30 tuổi dễ bị hội chứng này nhiều hơn những người khác. Gần một nửa (48%) nhóm từ 18 đến 29 tuổi nói rằng họ cảm thấy “khô hạn” so với 40% nhóm từ 30 tuổi trở lên (theo nghiên cứu của Future Forum).

Trong hoàn cảnh của bạn, có thể thay đổi những khía cạnh nào và không thể thay đổi khía cạnh nào? Khi bị kiệt sức, hãy tự hỏi bản thân những nhiệm vụ nào, bao gồm cả những nhiệm vụ quan trọng có thể giao cho người khác để dành thời gian và năng lượng cho những công việc quan trọng khác. Khi cảm thấy hoài nghi, bạn có thể xây dựng một số mối quan hệ tích cực để hỗ trợ chống lại những mối quan hệ làm cho bạn kiệt sức. Nếu bạn cảm thấy không đạt hiệu quả công việc, bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài.

Cuối cùng, TS. Hà khuyến khích, người lao động hãy tìm kiếm các kết nối. Thuốc giải độc tốt nhất cho tình trạng kiệt sức, mà biểu hiện là sự hoài nghi và kém hiệu quả, là tìm kiếm tương tác giữa các cá nhân.

"Hãy tìm huấn luyện viên và người cố vấn có thể giúp bạn xác định và kích hoạt các mối quan hệ tích cực. Hoặc tình nguyện tư vấn cho người khác là một cách đặc biệt hiệu quả khác để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn tiêu cực" TS. Hà nói.

MỚI - NÓNG