Hội chứng Burnout

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hiểu một cách đơn giản, hội chứng “Burnout” là sự suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng mà nhân viên gặp phải. Thời gian gần đây, hội chứng này xuất hiện với tần suất tăng lên, đặc biệt sau dịch Covid-19 khiến đội ngũ y tế đang “kiệt sức” thật sự.

Năm 1974 - nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger lần đầu phát hiện hội chứng này trên các thầy thuốc và ông nhìn nhận “Burnout” liên quan đến công việc rất đặc thù của những người công tác trong ngành y tế với 3 triệu chứng điển hình là kiệt sức, hoài nghi về môi trường làm việc và trầm cảm làm giảm hiệu quả trong công việc rõ rệt.

Sự xuất hiện của hội chứng “bornout” tưởng chừng là vấn đề bình thường trong công việc của những người thầy thuốc nhưng nhiều năm trở lại đây nó vượt ra khỏi phạm vi của một “hiện tượng mang tính nghề nghiệp”, lan rộng khắp toàn cầu và trở thành “tình trạng bệnh lý” không chỉ trong ngành y tế. Giờ đây, hội chứng kiệt sức này là một vấn đề đáng lưu tâm.

Tại Việt Nam, từ năm 2016 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã khảo sát sức khỏe tâm trí của 601 nhân viên y tế nhằm xác định mức độ trầm cảm, rối loạn lo âu và cho thấy 28,5% trong số này có dấu hiệu trầm cảm, 39% có dấu hiệu lo âu và 19% có dấu hiệu stress.

Câu chuyện tương tự cũng được Bệnh viện Hùng Vương TPHCM triển khai vào tháng 10/2021 với trên 466 nhân viên y tế. Kết quả cho thấy 23,6% nhân viên có biểu hiện trầm cảm, số còn lại là lo âu và stress. Phân tích nguyên nhân, các bác sĩ chỉ ra có gần 60% nhân viên đã trải qua nhiều biến cố như phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì Covid-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế… Trầm cảm, lo âu dẫn đến kiệt sức vì công việc cho thấy họ cần được sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm thần, các chuyên gia tâm lý để được giảm áp lực tâm trí. Hay nói cách khác là họ cần phải được “cấp cứu trầm cảm”.

Nhận thấy những tác hại lên sức khoẻ con người của hội chứng này, những năm qua Tổ chức Y tế thế giới đã có nhiều khuyến cáo mọi người. Họ cho rằng “môi trường làm việc tiêu cực có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần”. Đồng cảm với điều này, Shainna Ali, chuyên gia tâm lý người Mỹ nói rằng điều cần thiết là chính mình phải “thương bản thân” nhiều hơn khi đi làm, cố gắng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh tại nơi làm việc, sử dụng giờ nghỉ hiệu quả... Nhưng bản thân mình không thể làm tốt nếu chính người sử dụng lao động không quan tâm đúng mực đến môi trường làm việc lành mạnh của nhân viên. Đáng nói hơn, chính người sử dụng lao động đã góp phần “đẩy” nhân viên đến “suy cùng lực kiệt”.

Hội chứng "burnout" sẽ không tự biến mất, ngược lại nó sẽ ngày một tệ hơn nếu bạn lờ nó đi. Vì thế, theo Herbert Freudenberger nó có thể làm bạn căng thẳng quá mức, suy nhược, mất ngủ, dễ buồn bã và dễ tức giận.

Đừng giữ cảm giác mệt mỏi ấy cho riêng mình, hãy tham vấn bác sĩ, chuyên gia tâm lý để tìm lý do. Người thân, đồng nghiệp và bạn bè là nơi chúng ta có thể giãi bày nỗi lòng giúp xoá tan hội chứng “burnout”.

MỚI - NÓNG