Bình đẳng sức khỏe tâm thần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đợt này, dòng chảy người từ phương Nam về quê chủ yếu không hẳn là để chạy dịch. Nhiều người đã vắc xin 2 mũi, nhiều người đã miễn dịch khi từng là F0.

Người hẩm hiu không thoát được, nay im lìm về trong hũ tro buộc trước giỏ xe máy...

Họ mất việc. Nhà máy, công ty đóng cửa. Tết cũng chẳng còn bao lâu. Nhưng hơn hết, về quê lúc này không chỉ vì áo cơm, chốn ở, mà còn như cách tự chữa sang chấn tâm lý. Để hoàn hồn. Để bình tĩnh nhìn lại toàn bộ tháng ngày vạ vật cơ khổ đã qua nơi xứ người.

Hôm nay 10/10, là Ngày sức khỏe tâm thần thế giới. Chủ đề năm nay được WHO đưa ra, là "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người – Hãy biến điều đó thành hiện thực". Điều đó phù hợp với những chiến dịch đang diễn ra trên thế giới, kêu gọi ứng xử bình đẳng trong một thế giới mà sức khỏe tâm thần cũng đang thiếu bình đẳng (mental health in an unequal world). Giữa tháng ngày đại dịch này.

Thực ra, cơ số người ồ ạt đổ về quê thời gian qua, cũng không nhiều hơn lượng người hàng năm về quê ăn Tết. Bằng tàu, xe đò, máy bay,… Nhưng dòng người phô diễn suốt hàng ngàn cây số trên xe máy, xe đạp và cả đi bộ từ mùa hạ nắng cháy tới mùa mưa dầm lụt lội mấy ngày nay, hẳn là vấn đề khác hơn. Vốn là những người yếu thế, họ càng mong manh hơn giữa vòng vây đại dịch.

“Tâm lý của người dân ảnh hưởng rất lớn sau giãn cách xã hội kéo dài, tâm lý của người từng mắc COVID-19, của người mất người thân đang bị sang chấn nặng. Đây là một vấn đề rất lớn được đặt ra hiện nay, cần khắc phục trước khi bàn chuyện khôi phục kinh tế. Ngay chuyện để học sinh học trực tuyến như hiện nay, nếu kéo dài chúng ta có một thế hệ học sinh không hoàn chỉnh”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã nói như vậy trong cuộc tiếp xúc cử tri hai ngày trước.

Điều đó thật rõ ràng. Nhưng sức khỏe nền kinh tế của mỗi địa phương không chỉ bị ảnh hưởng bởi cú sốc tâm lý của người dân, mà còn do không ít ứng xử bất nhất của nhiều tỉnh thành trong đại dịch. Dẫn đến bất bình đẳng trong việc thực thi nhiều việc đã hiến định. Như tình trạng cát cứ phong tỏa đường về và phương tiện về nhà của dân, mà hôm qua Thủ tướng đã yêu cầu chấn chỉnh.

"Con đường dài nhất là con đường ngắn nhất về nhà". Tiểu thuyết gia lừng danh James Joyce đã viết trong kiệt tác Ulysses. Về những kẻ phiêu bạt trong linh hồn tìm kiếm đường về nhà, cũng là điểm đến đời người. Đường ngắn nhất về nhà, nhưng đôi khi chúng ta buộc phải vòng vèo mê mỏi. Như hành trình thức nhận và trưởng thành…

MỚI - NÓNG