Học kỳ trong Quân đội (Bài cuối): Phép nhân của tình yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - "Trước mỗi khóa học, chúng tôi luôn nói với phụ huynh rằng, Học kỳ trong Quân đội không có phép màu nhưng có phép cộng tình đồng chí, đồng đội của các bạn nhỏ gắn kết trên thao trường; phép trừ của sự lười biếng, sợ hãi, ỉ lại; phép nhân lên của yêu thương, hạnh phúc…”.

Đó là chia sẻ của anh Lê Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam với PV Tiền Phong về chương trình Học kỳ trong Quân đội.

"Địa chỉ đỏ" cho phụ huynh

Trải qua 14 năm tổ chức chương trình Học kỳ trong Quân đội, Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam (thuộc T.Ư Đoàn) trở thành địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình vào học tập, rèn luyện mỗi dịp hè về.

Học kỳ trong Quân đội (Bài cuối): Phép nhân của tình yêu thương ảnh 1

Chị Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý giáo dục, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (bên phải) cùng các “chiến sĩ nhí”

Anh Lê Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam cho biết, nhu cầu của phụ huynh cho con tham gia các khóa Học kỳ trong Quân đội là rất lớn, cao nhất là dịp tháng 6 hàng năm - thời điểm học sinh bắt đầu nghỉ hè. Hiện các đơn vị tổ chức mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/20 nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Dù vậy, Trung Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam không chạy theo số lượng, mà đặt chất lượng của mỗi khóa học lên hàng đầu, với mong muốn các em có những trải nghiệm đáng nhớ, tiếp nhận được giá trị tích cực khi tham gia Học kỳ trong Quân đội. Để tổ chức được một khóa Học kỳ trong Quân đội thực sự chất lượng, đảm bảo an toàn đòi hỏi rất nhiều yếu tố và cả một quá trình chuẩn bị chu đáo.

“Là một chuyên gia tâm lý, tôi luôn gần gũi với các con, vừa đóng vai chuyên gia, vừa là người bạn, vừa làm mẹ để các con cảm thấy yên tâm học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội trong những ngày xa gia đình”.

Chị Nguyễn Lệ Thủy, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng

Anh Khánh cho hay, trước mỗi khóa học, anh và các cộng sự đích thân đi khảo sát thực tế tại các đơn vị quân đội từ điều kiện, ăn ở, sinh hoạt, tập luyện… phù hợp với các em học sinh. Bản thân anh luôn đồng hành cùng các “chiến sĩ nhí” 100% thời gian suốt tất cả khóa học. Bên cạnh đó, thiết kế chương trình khóa học đảm bảo 40% kiến thức về quân sự, 40% rèn luyện kỹ năng và 20% các hoạt động bổ trợ.

Tham gia Học kỳ trong Quân đội, các "chiến sĩ nhí" được tham gia, trải nghiệm nội dung ý nghĩa bổ ích, từ sắp xếp nội vụ, vệ sinh cá nhân, rèn kỷ luật, tính tự chủ, sức khỏe, ý thức tự giác cho tới kỹ năng sống, thực hành xã hội, tinh thần vượt khó, kỹ năng sinh tồn cơ bản, thể dục thể thao. Được rèn luyện trong quân ngũ giúp các em hiểu môi trường quân đội, tự tin, bản lĩnh, qua đó giáo dục, bồi đắp lòng tự hào dân tộc.

Học kỳ trong Quân đội (Bài cuối): Phép nhân của tình yêu thương ảnh 2

“Cô gái vàng” điền kinh Nguyễn Thị Oanh giao lưu cùng các “chiến sĩ nhí”

An toàn cho học viên là trên hết

Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (thuộc T.Ư Đoàn) có thâm niên 13 năm tổ chức chương trình Học kỳ trong Quân đội. Năm nay, báo tiếp tục phối hợp với Trường Sỹ quan Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức chương trình Học kỳ trong Quân đội với chủ đề: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mong muốn các em thấu hiểu muốn thành công phải trải qua quá trình khổ luyện và thích nghi với mọi sự thay đổi của cuộc sống.

Chương trình được tổ chức thành 4 khóa với tổng số 1.000 “chiến sĩ nhí” là các em học sinh từ 8-15 tuổi trên mọi miền Tổ quốc đăng ký tham gia. Mỗi khóa học kéo dài 8 ngày. Chị Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia tâm lý giáo dục, báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng chia sẻ, mỗi năm chương trình Học kỳ trong Quân đội được đổi mới, thiết kế phù hợp với thời cuộc, cũng như nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Trong đó, tập trung giáo dục các kỹ năng xã hội, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng tự phục vụ, sử dụng internet an toàn. Bên cạnh đó, chương trình tuyên truyền, giáo dục về quyền, bổn phận của trẻ em; đặc biệt nêu cao tinh thần làm việc nhóm, giáo dục tình yêu thương gia đình, bạn bè, tình yêu quê hương, đất nước.

Chương trình đã tạo nên một sức hút lớn. Nhiều em tham gia khóa 1 xong về nghỉ vài ngày đăng ký tham gia khóa học tiếp theo, như hai anh em Lê Tuấn Khanh và Lê Tuấn Khang (Thanh Xuân, Hà Nội); em Nguyễn Hoài Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tham gia khóa 2 xong về nghỉ 3 ngày lại xin bố mẹ đi tiếp khóa 3. Có những nhóm chiến sĩ 7, 8 người là anh em, họ hàng.

“Khi được hỏi vì sao các con lại đăng ký đi tiếp? Các con trả lời ở Học kỳ trong Quân đội học vui không phải ghi chép mà vẫn thuộc bài; không phải dùng điện thoại đỡ đau đầu; ăn khỏe hơn và được ở gần các chú bộ đội rất thích”, chị Thủy kể.

Theo chị Thủy, điều làm nên sự khác biệt, sức hấp dẫn của chương trình là nội dung luôn được thiết kế sáng tạo, hấp dẫn. Năm nay, chương trình được thiết kế mỗi ngày mỗi chủ đề khác nhau. Ngày thứ nhất: Tân binh nhập ngũ; ngày thứ 2: Chiến sĩ tự tin; ngày thứ 3: Chiến sĩ bản lĩnh; ngày thứ 4: Chiến sĩ mưu trí; ngày thứ 5: Chiến sĩ quả cảm; ngày thứ 6: chiến sĩ nhân ái; ngày thứ 7: Chiến sĩ tài năng và chủ đề ngày cuối cùng là: Chiến sĩ trưởng thành.

Qua các chủ đề đó giúp các em thay đổi nhận thức, tư duy và hành động trở thành một phiên bản tự tin, kỷ luật và trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn mời những người nổi tiếng như vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh, Anh hùng Phạm Tuân đến giao lưu cùng các “chiến sĩ nhí”.

“Tuy nhiên, dù nội dung hay đến thế nào đi chăng nữa thì an toàn cho các học viên là yêu cầu được đặt lên hàng đầu trong mỗi khóa học”, chị Thủy nói.

Chị Thủy cho biết thêm, mỗi 1 tiểu đội có gần 20 “chiến sĩ nhí” được bố trí 2 điều phối viên phụ trách của báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi đồng, cùng 1 đội trưởng của Trường Sĩ quan Lục quân 1 theo sát 24/24 giờ, từ học tập, rèn luyện đến ăn uống, ngủ nghỉ. Đặc biệt, các điều phối luôn theo dõi biểu hiện tâm lý của các con để có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.