Học kỳ trong Quân đội (Bài 2): Hạnh phúc vì sự thay đổi của con

TP - Gặp lại con sau những ngày tham gia Học kỳ trong Quân đội, nhiều phụ huynh không giấu được niềm vui, hạnh phúc về những thay đổi, tiến bộ đến ngỡ ngàng từ các “cục cưng” của mình.

Yêu thương gia đình

Chị Nguyễn Thùy Trang (phụ huynh của em Hoàng Minh Dũng, SN 2012, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngỡ ngàng về sự thay đổi trong cách suy nghĩ, biết quan tâm đến mọi người hơn của cậu con trai. “Sau khi tham gia Học kỳ trong Quân đội, con thay đổi rất nhiều, làm nhiều hơn nói và rất có kỷ luật”, chị Trang nói.

Theo chị Trang, Dũng đã học được tính kỷ luật, sống có trách nhiệm hơn. Chị muốn cho con đi ăn nhà hàng sau một thời gian xa gia đình tập luyện trong môi trường quân ngũ nhưng cậu lại từ chối. Cậu muốn “cả nhà cùng nhau nấu bữa tối”, để được quây quần bên nhau.

“Mình vừa động viên, vừa giúp các bạn vơi đi nỗi nhớ gia đình bằng cách tâm sự, an ủi các bạn cố gắng kiểm soát cảm xúc. Mình cũng tăng sự kết nối của các bạn lớn tuổi với các em nhỏ hơn ở trong tiểu đội bằng việc tổ chức trò chơi, hoạt động nhóm, cùng vẽ lên ước mơ của bản thân trong một bức tranh”.

Điều phối viên Dương Thị Hồng (sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội)

“Con nhà mình xưa nay không thích văn nghệ nhưng lần này lại là người đề xuất bài hát “Hào khí Việt Nam” để dự thi trong đêm Gala tổng kết học kỳ và được cả đội ủng hộ. Môi trường, tinh thần đồng đội đã giúp con thay đổi, mạnh dạn và thích thú hơn với những điều xưa nay không thích”, chị Trang chia sẻ về sự thay đổi tích cực của con.

Học kỳ trong Quân đội (Bài 2): Hạnh phúc vì sự thay đổi của con ảnh 1

Chị Hoàng Thị Linh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) trò chuyện với con trai Hoàng Đăng Duy Khánh (SN 2013)

Học kỳ trong Quân đội (Bài 2): Hạnh phúc vì sự thay đổi của con ảnh 2

Các “chiến sĩ nhí” đã bật khóc trong đêm nói về tình cảm gia đình

Chị Cung Thị Bích Huyền (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cũng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nghe con trai nói: “Con đã vượt qua được chính mình để trở thành chiến sĩ nhí. Con hứa với mẹ từ nay sẽ chăm ngoan”. Con trai chị Huyền là em Trần Hoàng Dương, sinh năm 2011.

Từ nhỏ Dương được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện đủ đầy. Vì thế, khi con tham gia Học kỳ trong Quân đội, chị Huyền rất lo lắng về khả năng tự lập và vượt qua được những kỷ luật trong quân ngũ. “Cả nhà đã thống nhất không liên lạc, để con tự nỗ lực, phấn đấu. Qua những hình ảnh của ban tổ chức cập nhật hằng ngày, tôi thấy con đã rất cố gắng. Tôi sẽ đồng hành cùng con để phát huy những giá trị từ khóa học”, chị Huyền nói.

Quyết định đúng đắn

Sau 8 ngày con trai làm “chiến sĩ nhí”, chị Hoàng Thị Linh (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) mới được gặp con trai là em Hoàng Đăng Duy Khánh (SN 2013) trong đêm Gala “Tài năng Chiến sĩ nhí” tại Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân.

Theo chị Linh, Khánh khá hiếu động nhưng là người sống tình cảm, mau nước mắt. Vì thế, trên đường đến gặp con chị khá hồi hộp hình dung con sẽ lao đến ôm mẹ khóc sau nhiều ngày xa gia đình. Thế nhưng, thực tế thật bất ngờ, không có giọt nước mắt nào mà chỉ có nụ cười của niềm vui. Duy Khánh chạy đến dí dỏm làm động tác nghiêm túc chào mẹ, rồi chủ động giơ tay sang bắt tay với một người bạn của mẹ. Nhìn động tác chững chạc của con trai, chị Linh bật cười hạnh phúc.

Chị Linh chia sẻ, qua nhiều kênh tìm hiểu, chị quyết định cho con tham gia Học kỳ trong Quân đội của Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam - đơn vị có kinh nghiệm hơn 10 năm tổ chức các khóa học. “Tôi cho con tham gia khóa học, gặp lại con tôi thấy quyết định của mình rất đúng đắn”, chị Linh nói.

Mục tiêu của chị Linh là mong con có những ngày hè trải nghiệm, tự tin, kỷ luật hơn và đặc biệt cần biết ơn, trân trọng những gì mình đang có. “Sau khóa học này, tôi tin con mình sẽ trưởng thành hơn nhiều. Tôi sẽ tiếp tục cho con tham gia thêm nhiều khóa học tương tự để được rèn luyện, trưởng thành hơn”, chị Linh nói.

Điểm tựa tinh thần

Điều phối viên chương trình Học kỳ trong Quân đội là một trong những lực lượng tạo nên sự thay đổi tích cực cho các “chiến sĩ nhí”. Họ được xem như “điểm tựa tinh thần”, vừa làm bạn, vừa làm anh, chị, vừa là bảo mẫu, dạy từ cách gấp quần áo đến kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt chung.

Điều phối viên Mai Thị Thùy (sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân), một trong những người đã luôn đồng hành với các em 24/24 giờ. Ban đêm, Thùy thường chọn chỗ ngủ gần các “chiến sĩ nhí” nhất để quan sát tất cả, tiện hướng dẫn, quản lý. Ban ngày, những buổi đầu làm việc nhóm, Thùy tổ chức các trò chơi để nhớ tên của nhau; dạy cách giới thiệu về bản thân, nói trước đám đông để “chiến sĩ nhí” hiểu đồng đội và cởi mở hơn với mọi người.

“Nhiều lúc mình phải giải đáp vô vàn câu hỏi vì sao do tính hiếu kỳ, tò mò của các em. Sau khi giải đáp cặn kẽ, các em hiểu rồi luôn răm rắp thực hiện theo. Tự nhiên, cảm giác mệt hay phiền ấy qua rất nhanh”, Thùy chia sẻ.

Tham gia Học kỳ trong Quân đội, điều phối viên Dương Thị Hồng (sinh viên trường ĐH Lao động Xã hội) nhiều hôm thức cả đêm vì canh “chiến sĩ nhí” bị ốm, sốt. Khi các em khỏe lại, lao đến ôm khiến Hồng xúc động muốn rơi nước mắt. Mỗi khóa học chỉ có 8 ngày nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm đẹp của Hồng và các điều phối viên khác đối với các “chiến sĩ nhí”.

“Các em đã thay đổi theo hướng tích cực, sống có ý thức, kỷ luật hơn, biết yêu thương hơn. Sự thay đổi của các em là nguồn động lực lớn cho mỗi điều phối viên tham gia các khóa học tiếp theo”, Hồng chia sẻ.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG