Học dân lập vẫn thành đạt

Học dân lập vẫn thành đạt
TP - Nhiều sinh viên và cựu sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) trường ĐH Phương Đông cho biết, nhờ học ở trường ngoài công lập, họ đã có động lực mạnh mẽ để hoàn thiện bản thân.

Cách đây 4 năm, do không đủ điểm NV1 vào một trường đại học công lập có tiếng, Trần Thị Chang nộp hồ sơ NV2 vào khoa CNTT trường ĐH Phương Đông với ý nghĩ học tạm cho đỡ buồn, năm sau thi lại. Mặc dù vậy, ngay từ ngày trở thành sinh viên K15 của khoa, Chang đã xác định là phải nỗ lực để đạt kết quả giỏi.

Chang tâm sự: “Em và người anh họ điểm thi ĐH bằng nhau, nhưng anh ấy đỗ trường ĐH Giao thông Vận tải. Mỗi lần về quê, anh ấy được ngưỡng mộ, còn em bị thương hại. Vì thế em quyết tâm học giỏi để người ta không coi thường sinh viên dân lập”.

Ý định thi ĐH lại nguội dần trong học kỳ đầu, khi Chang ngày càng thấy yêu mến nơi mà mình đang học. Suốt bốn năm qua, kỳ nào kết quả học tập của Chang cũng đạt loại giỏi hoặc xuất sắc.

Đến khoa CNTT nhân một hội thảo nghiên cứu khoa học thường niên được tổ chức cuối tuần qua, chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ như Chang: thoạt tiên là “nhắm mắt đưa chân”, sau tự thấy may mắn vì đã lựa chọn được lối đi phù hợp.

Nguyễn Minh Quang, thủ khoa đầu vào trường ĐH Phương Đông năm 2005, nay là giảng viên khoa CNTT của trường cũng vậy.

Quang kể, tuy mẹ phản đối con học trường dân lập nhưng được bố ủng hộ, anh quyết tâm theo học. “Nếu được chọn lại, tôi vẫn thi vào khoa CNTT trường ĐH Phương Đông”, Quang quả quyết.

Nhiều cựu sinh viên của khoa cho biết, việc lường trước khả năng bị kỳ thị khi đi xin việc là động lực giúp họ nỗ lực tích luỹ kiến thức để sau này thi thố sòng phẳng trong thị trường việc làm.

Nguyễn Tuệ Linh, Phó Trưởng ban Kỹ thuật & CNTT, Tổng Cty Bưu chính VN, vốn là sinh viên K1 của khoa kể: “Hồ sơ dự thi vào cơ quan hiện tại của tôi suýt bị loại vì họ chủ trương không tuyển sinh viên dân lập. Nhờ tấm bằng đại học loại xuất sắc, lãnh đạo công ty cho tôi dự tuyển. Khoảng 400 ứng viên khác cùng thi, kết quả tôi lọt vào danh sách 12 người thi đỗ”.

Một thực tế khác, mặc cảm bị kỳ thị là sinh viên trường dân lập qua đi rất nhanh.

“Nếu anh vượt qua được khoảnh khắc lưỡng lự của nhà tuyển dụng khi phân loại hồ sơ thì vấn đề còn lại là năng lực của bản thân anh. Về sau, không ai quan tâm anh tốt nghiệp trường nào mà chỉ để ý anh đang làm việc ra sao”, Trần Mạnh Cường, tốt nghiệp khoa CNTT năm 2007, nay là Phó trưởng Phòng Pháp chế & Thông tin, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học & Công nghệ nói.

Theo PGS TS Phan Hữu Huân, Chủ nhiệm khoa CNTT, hầu hết sinh viên của khoa ra trường đều có việc làm với mức thu nhập khá tại các viện, các trường ĐH, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hoặc tự mở công ty. Nhiều người tiếp tục theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.