Hoàng Vĩnh Giang, một cá tính hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Ông Hoàng Vĩnh Giang (phải) và 2 ông Dương Nghiệp Chí, Trần Duy Ly tại Liên Xô.
Ông Hoàng Vĩnh Giang (phải) và 2 ông Dương Nghiệp Chí, Trần Duy Ly tại Liên Xô.
TPO - Ngày 11/9, ngành thể thao Việt Nam đón tin buồn lớn khi ông Hoàng Vĩnh Giang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới qua đời. Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống khoa bảng, ông Hoàng Vĩnh Giang để lại dấn ấn đậm nét trong lịch sử phát triển thể thao Việt Nam.

Dòng họ danh tiếng

Làng Đông Ngạc có 2 họ lớn, là họ Hoàng và họ Phạm, đều hiếu học. Ông Hoàng Nguyễn Thự sinh năm Kỷ Tỵ (1749) trong một gia đình quan lại ở Gia Bình (Bắc Ninh). Thủa nhỏ ông theo học Hương cống Phạm Gia Huệ người làng Đông Ngạc (Vẽ), Hà Nội rồi được thầy yêu, gả con gái. Năm 1774 ông Hoàng Nguyễn Thự thi đỗ Cử nhân, được bổ làm Tri huyện Thanh oai. Năm 1787 thi đỗ Tiến sĩ, kỳ thi hội cuối cùng của nhà Hậu Lê.

Nhà Hậu Lê mất, ông mang gia đình về quê vợ ở Đông Ngạc ở, mãi tới năm 1793 khi triều Cảnh Thịnh triệu đòi mãi mới ra làm quan ở Bộ Hình, sau thăng Hình bộ Tả thị lang, rồi Hiệp trấn Lạng Sơn. Ông mất tại lỵ sở năm 52 tuổi, sau được coi là tổ họ Hoàng ở Đông Ngạc.

Họ Hoàng có nhiều người thành đạt. Ông Hoàng Tế Mỹ quản Hàn Lâm viện thời vua Tự Đức. Cụ Hoàng Tướng Hiệp làm tuần phủ Tuyên Quang, khi mất thăng Lễ bộ thượng thư. Phó bảng Hoàng Tăng Bí, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, trợ bút báo Trung bắc tân văn. Cố giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam cũng là người trong gia tộc họ Hoàng.

 Hoàng Vĩnh Giang, một cá tính hấp dẫn ảnh 1

Ông Hoàng Vĩnh Giang cùng gia đình ở căn nhà vua triều Nguyễn ban ở làng Đông Ngạc (Hà Nội)

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, nguyên Trưởng đoàn TTVN nhiều kỳ SEA Games, Phó chủ tịch kiêm TTK Uỷ ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam là con trai ông Hoàng Minh Giám. Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, ông Hoàng Trung Kiên, là cháu ông Hoàng Vĩnh Giang. Ông Kiên hiện tại làng Đông Ngạc, giữ nhà thờ họ Hoàng.

Trong nhà còn một căn nhà cổ do vua triều Nguyễn ban, vừa được gia đình tu bổ lại, còn nguyên nét cổ xưa. Trong khuôn viên khoảng hơn 2.000m2, gia đình trồng vài chục gốc bưởi Diễn. Khách đến nhà đúng dịp, hoa bưởi trắng tinh khôi, cứ thơm ngan ngát. Hoặc đêm trăng rằm, chủ khách ra sân bày trà, thấy trăng vòi vọi, bóng ngọn cau như in lên bầu trời thẫm. Gần nhà có con đường gắn tên cụ Hoàng Tăng Bí.

Gia phả họ Hoàng còn nhiều người nổi tiếng: nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, bà Hoàng Thị Nga-nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam, Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Thuỷ Nguyên…

Một đời thông minh, tài hoa

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng nối được chí của ông cha. Giới thể thao nhắc nhiều tới ông ở 2 vị trí, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội và Trưởng đoàn TTVN nhiều kỳ thể thao khu vực, quốc tế. Được xem như kiến trúc sư của chiến lược “đi tắt, đón đầu, lấy nữ làm chủ công”, ông Hoàng Vĩnh Giang để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển thể thao Việt Nam.

Chỉ riêng việc đưa ra chiến lược ngắn gọn nhưng dễ hiểu ở trên phần nào cho thấy tầm nhìn cũng như năng lực thực tế của ông. Năm 2006, ông Giang được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì những đóng góp cho sự nghiệp thể thao Việt Nam.

Trong hơn 20 năm qua, có lẽ khó kiếm được nhà lãnh đạo thể thao nào lại hội tụ cả ân lẫn uy như ông Hoàng Vĩnh Giang. Chả thế mà nghe tin ông mất, rất nhiều người trong giới thể thao đều gửi lời chia buồn, bày tỏ tình cảm và sự tiếc nuối, kể lại những kỷ niệm về ông.

  1.  Hoàng Vĩnh Giang, một cá tính hấp dẫn ảnh 2

Ông Hoàng Vĩnh Giang có công phát triển nhiều môn võ ở Việt Nam, nổi bật là wushu. Đến khi từ trần, ông là đương kim Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Nguyên Phó TTK Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Dương Nghiệp Khôi kể, thập niên 1960-1970 khi ông còn bé, thường tối thứ bảy ông Giang lại đưa vợ và con gái qua thăm bố mẹ ông và anh trai, giáo sư Dương Nghiệp Chí, và ngủ lại để sáng hôm sau thi nhảy cao. Ông Giang là kỷ lục gia nhảy cao, nhiều năm liền giữ kỷ lục 1m96 thiết lập tại Kiev. Tu nghiệp ở Liên Xô về, ông Giang dần lên Phó giám đốc rồi Giám đốc Sở TDTT Hà Nội.

Ông Khôi kể anh trai Dương Nghiệp Chí thường kể với ông, ông Hoàng Vĩnh Giang giỏi, thông minh tuyệt đỉnh. Chỉ riêng ngoại ngữ, ông tự học nhưng thạo cả tiếng Anh, Trung và Nga. Ông Giang cũng rất tài hoa, nhiều tài lẻ. Ông hát rất hay nhiều bài hát của Nga như: Chiều Matxcova, Cây thuỳ dương, Đàn sếu, Tuổi thanh niên sôi nổi…

Kỷ niệm với phóng viên

Nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của ngành thể thao, nhiều phóng viên có kỷ niệm với ông Giang. Ông là số ít những lãnh đạo ngành thể thao sẵn sàng nói chuyện với báo chí trước bất kỳ vấn đề nào. Một đồng nghiệp bên đài truyền hình Việt Nam (VTV) kể, hẹn phỏng vấn ông rất đơn giản. Khi đưa VĐV Việt Nam sang Trung Quốc tập huấn, ông Giang chỉ giải thích đơn giản nhưng dễ hiểu và rất đúng chất “Tàu” là: muốn có linh đan thì phải luyện trong lò Bát quái.

Khi nhóm phóng viên VTV muốn sang tận Trung Quốc để xem “lò Bát quái” ra sao, ông Giang đồng ý liền rồi sắp xếp đưa phóng viên sang tận Quảng Tây. “Sang tới nơi, gặp các cán bộ của Đại đội Thể Công, cứ hỏi về “Hoàng chủ nhiệm” là nghe khen. Họ không gọi chú Giang là Giám đốc mà gọi “chủ nhiệm””-đồng nghiệp tôi kể.

Cách đây độ 4,5 năm, một bữa có hẹn ngồi cà phê với cựu Phó chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ ở Hoàng Đạo Thuý thì gặp ông Hoàng Vĩnh Giang đang ngồi cùng 1 người bạn. Ông Giang ngẩng lên thấy thì cười rồi bảo: thằng này xưa làm tao khổ lắm!

 Hoàng Vĩnh Giang, một cá tính hấp dẫn ảnh 3

Một đời tài hoa khép lại, để lại dấu ấn đậm nét với thể thao Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam chạy đua đăng cai Asiad 18. Ông Giang là người ủng hộ và có vai trò quan trọng. Tới năm 2012, Hà Nội được Hội đồng Olympic châu Á chọn làm địa điểm đăng cai Asiad 18 với 29 phiếu, vượt xa Subaraya của Indonesia (14 phiếu). Nhưng năm 2014, sau nhiều ý kiến phản biện của báo chí, Chính phủ Việt Nam rút đăng cai. Ông Hoàng Vĩnh Giang từng gửi báo Tiền Phong một bài dài nói về lợi ích đăng cai Asiad, nhưng rốt cuộc trong không khí thời điểm đó, báo không dùng. Khi được tôi trình bày là chỉ có thể đăng một “box” nhỏ, ông Giang bảo, đăng thì đăng cả chứ đăng thế làm gì. Rồi thì do tính chất công việc, cũng đôi khi có thông tin này khác đăng lên, ông Giang không hài lòng. Có lúc ông ý kiến, nhưng thường rất nhẹ nhàng.

Bỏ đăng cai Asiad 18 có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam, nhưng hiện nay thì chúng ta đang hướng tới tổ chức SEA Games 31, cũng rất tốn kém, nhưng được xem là trách nhiệm với khu vực. Làm nghề nhiều năm, có nhiều lựa chọn mà sau này nhìn lại, cũng khó dám chắc quyết định hoặc quan điểm của mình là đúng hay sai.

Ông Giang năm 2002 từng đòi bầu Đức trả 500 đồng khi lấy Minh Đức, với ngụ ý bảo: người nào bỏ Hà Nội đi chỉ có giá như vậy. Chuyện này thì nghe báo chí kể lại thôi chứ dạo đấy chưa đi làm nên không rõ. Nhưng có chuyện khác thì được ông Hoàng Trung Kiên kể lại khi ông Giang còn làm Giám đốc Sở TDTT Hà Nội.

Chuyện là có bận, Trưởng bộ môn 1 môn thể thao của Hà Nội báo cáo lên ông Hoàng Vĩnh Giang 1 công việc. Ông Giang mới hỏi: Thế việc này nói qua Kiên chưa? Đồng chí kia mới bảo: dạ chưa.

Thì ông Hoàng Vĩnh Giang mới bảo: làm ăn thế à, có việc thế cũng không biết!? Bẵng ít lâu có việc khác, lại đồng chí nọ lên báo cáo “sếp” Giang rồi bảo “việc này cháu báo anh Kiên rồi”. Thì ông Giang làm câu: Kiên chưa to nhé!

Những câu chuyện như vậy phần nào phác hoạ nên cá tính của ông Hoàng Vĩnh Giang, vừa có thể gây tranh cãi nhưng cũng hấp dẫn, thú vị. Lãnh đạo ngành thể thao 20 năm qua, có uy thế, quyền biến và quyết việc như ông Hoàng Vĩnh Giang thì rất ít.

Có những lãnh đạo như vậy thì ngành thể thao mới có vị thế, tiếng nói.

MỚI - NÓNG