Sóc Sơn:

Hoàn thiện nông thôn mới nâng cao, từng bước xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sóc Sơn là địa bàn có thế mạnh để xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới phát triển đô thị. Tới đây, huyện tiếp tục rà soát các tiêu chí theo quy định về xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; phấn đấu 3 xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Hoàn thiện nông thôn mới nâng cao, từng bước xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô ảnh 1
Nông dân Sóc Sơn thoát nghèo nhờ chuyển đổi trồng cây dược liệu hữu cơ

Xã Minh Phú được coi là “thủ phủ” chăn nuôi gà đồi của huyện Sóc Sơn với nhiều trang trại tận dụng lợi thế vườn đồi, nuôi bán hoang dã dưới tán cây ăn quả. Toàn xã có gần 3.000ha đất tự nhiên thì 3/4 diện tích là đồi, rừng. Ông Đặng Quang Tiến - hộ chăn nuôi gà ở xã Minh Phú cho biết, hiện nay, đa số hộ chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Sản phẩm gà đồi Sóc Sơn đã được đăng ký thương hiệu nên mang lại hiệu quả kinh tế cao 1,5-2 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

Ngoài gà đồi, xã Minh Phú đang khuyến khích người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó xã đang tích cực có hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây dược liệu, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, một số hợp tác xã đã có những sản phẩm chế biến hoàn thiện cung cấp ra thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Lãnh đạo huyện Sóc Sơn thông tin: “Nhờ đưa các giống dược liệu thuần chủng vào trồng và ứng dụng kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa khâu sản xuất, chế biến... nên cây dược liệu ở vùng đồi gò huyện Sóc Sơn mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha, gấp 3 lần cây trồng khác. Đời sống của người dân trên địa bàn nhờ đó ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Sóc Sơn”.

Nhiều thế mạnh để xây dựng thành phố thuộc Thủ đô

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Sóc Sơn là địa bàn có thế mạnh để xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiến tới phát triển đô thị. Bà Tuyến đề nghị huyện tiếp tục rà soát các tiêu chí theo quy định về xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; phấn đấu 3 xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2022; từ đó hướng tới mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1/3 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ðây là nền tảng quan trọng để nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc, hỗ trợ tích cực để Thủ đô ngày càng phát triển.

16 mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Báo cáo của Huyện ủy Sóc Sơn cho thấy, về xây dựng xã nông thôn mới, đến nay, huyện đã có 13/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đối với 2 xã Phù Lỗ và Đức Hòa được thành phố giao nhiệm vụ hoàn thành nông thôn mới nâng cao, số chỉ tiêu đạt theo quy định là 56 chỉ tiêu, tương đương 74,67%.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế huyện 5 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu phục hồi tích cực khi tổng giá trị sản xuất ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt gần 98,6% tổng diện tích. Các tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất như gieo mạ khay - cấy máy, gieo sạ được triển khai đồng bộ, góp phần giảm sức ép về thời vụ, lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân…

Trên địa bàn huyện cũng có 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là chuỗi liên kết sản xuất nấm công nghệ cao KMS (quy mô 0,8ha), chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ (quy mô 37,5ha), chuỗi liên kết sản xuất dược liệu định hướng hữu cơ (quy mô 30ha).

Huyện cũng có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm công nghệ cao… Đến hết năm 2021, huyện đã có 76 sản phẩm được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao.

MỚI - NÓNG