Hoá giải lời nguyền arsenic - kỳ 2: Việt Nam chưa có bản đồ?

Một nghiên cứu viên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang lấy mẫu kiểm tra nước ngầm nhiễm arsenic tại Xã Vạn Phúc. (Ảnh do thành viên đoàn nghiên cứu cung cấp).
Một nghiên cứu viên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang lấy mẫu kiểm tra nước ngầm nhiễm arsenic tại Xã Vạn Phúc. (Ảnh do thành viên đoàn nghiên cứu cung cấp).
TP - Trong khi cơ quan quản lý công bố Việt Nam đã hoàn thành bản đồ toàn quốc về ô nhiễm arsenic gây ung thư, một trong những chuyên gia hàng đầu về chất độc này ở Việt Nam đã bác bỏ công bố đó. “Bản đồ này chẳng nói lên cái gì cả”, PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhận định.

 Ranh giới giữa có và không

Từ nhà bác Chử Văn Thuận tới khu trang trại nhà bác Nguyễn Văn Vinh đều ở Xã Vạn Phúc, nơi diễn ra cuộc khảo cứu kéo dài hơn một thập kỷ về cơ chế dịch chuyển của độc chất arsenic không mùi không vị, mất chừng năm phút đi bộ. Liên lạc mãi, bác Vinh mới nghe điện thoại và ra cổng đón tôi vào căn lán nhỏ được dựng ngay trên mặt hồ thả gần ba tấn cá của bác.

“Khoảnh vườn nhỏ nhà bác Vinh nằm trên ranh giới kỳ lạ giữa hai tầng nước có cách ứng xử với arsenic hoàn toàn khác nhau”, chị Vi Mai Lan khuyên tôi đến đó. Chị là thành viên trong đoàn nghiên cứu quốc tế và có tên trong danh sách 19 tác giả của bài báo đăng trên The Nature, một tạp chí khoa học danh tiếng toàn cầu, hồi tháng 9/2013.

Vạn Phúc là nơi được tạo hoá sắp đặt một sự giao thoa sắc nét giữa hai tầng chứa nước, tầng nông Holocene và tầng sâu Pleistocene, GS.TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường & Phát triển Bền vững (CETASD), ĐHKHTN, ĐHQGHN, cho tôi biết điều đó vài ngày trước khi đich thân tôi tìm đến làng ven Sông Hồng đang được bê tông hoá rất nhanh này.

Hàng triệu giếng khoan nước ngầm khai thác hằng ngày từ các lớp cát phù sa nông của tầng chứa nước có tên khoa học là Holocene.

Các giếng khoan ấy đã và đang khiến hơn một trăm triệu người trên các vùng rộng lớn của Nam và Đông Nam Á có nguy cơ phơi nhiễm với arsenic và dấu hiệu ngộ độc thường chỉ bộc phát sau nhiều năm. Ngược lại, các trầm tích cát ở dưới sâu có tên khoa học là Pleistocene hầu như không có nước ngầm nhiễm arsenic với hàm lượng cao.

Kể từ khi các trường hợp nhiễm độc arsenic đầu tiên được phát hiện ở Bangladesh do sử dụng nước ngầm, người ta tìm cách lý giải vì sao hàm lượng arsenic thấp được duy trì trong tầng Pleistocene trong khi hàm lượng hoá chất đó cao gấp nhiều lần trong tầng Holocene ở vị trí nông hơn.

Một nghiên cứu quốc tế ở Bangladesh, và công bố năm 2011 cũng trên Tạp chí Nature đã trả lời được một phần câu hỏi này. Cụ thể, họ phát hiện sự khác biệt giữa các trầm tích sâu của tầng Pleistocene chứa rất ít arsenic và trầm tích nông của tầng Holocene nhiễm arsenic rất nặng. Bước đầu họ lý giải được nguyên nhân của khác biệt đó là do các hạt cát ở tầng sâu Pleistocene đã giữ arsenic lại, khiến cho lượng arsenic hoà tan trong nước ngầm tầng Pleistocene ít hẳn.

Nhưng còn nhiều câu hỏi quan trọng khác vẫn chưa được trả lời. Người ta nhận thấy nghiên cứu tiên phong Bangladesh được Chương trình Nghiên cứu Superfund của Viện Khoa học Sức khoẻ Môi trường Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ vẫn chưa hoá giải được nhiều bí ẩn còn lại.

Có hay không sự lan truyền arsenic từ tầng Holocene sang hoặc xuống tầng Pleistocene? Nếu có, sự khác biệt về hàm lượng arsenic giữa hai tầng chứa nước ấy có thể được duy trì trong bao lâu? Đâu là cơ chế lây nhiễm arsenic trong các tầng chứa nước? Và có cách nào hạn chế, thậm chí loại bỏ, sự lây nhiễm để có thể yên tâm khai thác nước ngầm, giảm phụ thuộc vào nước mặt đang ngày càng trở nên độc hại do thiên tai và các hoạt động sản xuất gây ra trên quy mô toàn cầu hay không?

Chỉ khi trả lời được các câu hỏi trên, các nhà khoa học mới có thể đi đến quyết định có nên khuyến cáo chính quyền khai thác nước ngầm ở tầng chứa nước Pleistocene ở một nơi nào đó để làm nước ăn hoặc uống nữa hay không; nếu nên, có thể khai thác để phục vụ ăn uống trong bao lâu nữa. GS.TS Phạm Hùng Việt cho hay chưa bao giờ nhu cầu làm sáng tỏ các hoài nghi kia trở nên cấp thiết trên quy mô toàn cầu như những năm gần đây.

WHO nhận định, ô nhiễm arsenic tự nhiên là mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới mà điển hình là ở Argentina, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Mexico, Chile và Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đến nay chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu tổng thể về tình hình ô nhiễm arsenic mặc dù các nghiên cứu nhỏ lẻ phát hiện nhiều nơi nhiễm arsenic rất nặng, gấp hàng chục lần mức khuyến cáo của WHO.

VN chưa có bản đổ ô nhiễm arsenic?

Để tránh bi kịch như ở Bangladesh nơi mỗi năm có 43.000 người mắc và chết vì nhiễm độc arsenic và được WHO đánh giá là thảm hoạ ô nhiễm lớn nhất trong lịch sử, từ năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng triển khai đề án giảm thiểu tác hại của arsenic trong nguồn nước sinh hoạt khai thác từ nước ngầm trên toàn quốc.

Đề án gồm ba dự án và được giao cho Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp, và Bộ Y tế triển khai. Đến nay, vẫn chưa có kết luận điều tra tổng thể và báo cáo kết quả cuối cùng về diện tích nhiễm arsenic trên toàn quốc.

Mãi đến năm 2011, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên & Môi trường (MoNRE), cho biết cục này đã cơ bản hoàn thành xây dựng bản đồ khoanh vùng nguy cơ ô nhiễm arsenic trong nước ngầm ở 1.385 xã thuộc địa bàn 207 huyện, 40 tỉnh, trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng bản đồ đó chưa phán ánh đúng thực tế và họ đánh giá thấp giá trị của nghiên cứu này.

“Về bản đồ nhiễm arsenic như chị đề cập, có thể nói, bản đồ ấy chảđể làm gì”, PGS.TS Trần Hồng Côn nói. “Vìnó không nói lên cái gì cả. Số mẫu phân tích quáít, khôngđại diện cho tất cả các khu vực khảo sát”.

Nằm trong nhóm các nhà khoa học phản biện hiệu quả đề án giảm thiểu tác hại của arsenic, ý kiến rõ nhất đến từ PGS.TS Trần Hồng Côn. Nói riêng về bản đồ khoanh vùng nguy cơ ô nhiễm arsenic trong nước ngầm mà MoNRE công bố năm 2011, TS Côn khằng định “nó không nói lên cái gì cả”.

Theo TS Côn, chương trình được MoNRE đưa về các sở tài nguyên & môi trường và, từ các sở này,  đưa về các phòng môi tưởng của các huyện để làm. “Phân tích arsenic trong nước sinh hoạt phải phân tích theo tỉ lệ phần tỉ, tức là ở nồng độ cực thấp. Những nơi đó không thể đáp ứng điều kiện thiết bị để có thể phân tích được các chỉ số bé xíu như vậy”, TS Côn nói. Chẳng hạn, hàm lượng 10 phần tỷ (10 ppb) arsenic mà WHO khuyến cáo là ngưỡng an toàn đối với nước sinh hoạt là cực kỳ loãng. Có thể hình dung hàm lượng vô cùng nhỏ ấy với 10 giọt nước trong 20 bể bơi có dung tích theo tiêu chuẩn Thế vận hội Olympic.

Theo kế hoạch, đến cuối 2008, TS Côn nói tiếp, MoNRE sẽ công bố kết quả bản đồ arsenic toàn quốc. Mãi mấy năm sau đó vẫn chưa thấy công bố. Kết quả, chỉ UNICEF công bố bản đồ nhưng TS Côn cho rằng chỉ có “vài đốm đốm”.

“Làm bản đồ arsenic toàn quốc phải có chuyên gia. Phải giao cho họ từng vùng để họ làm”, TS Côn nói tiếp. “Chúng tôi cũng có góp ý phân theo cho các chuyên gia. Chỉ chuyên gia mới có đủ chuyên môn để làm. Đưa về các sở thì không được. Họ không đủ năng lực”.

Hoá giải lời nguyền arsenic - kỳ 2: Việt Nam chưa có bản đồ? ảnh 1 Campuchia chọn cách cảnh báo arsenic bằng cách quét sơn đỏ lên vòi nước nhiễm arsenic.

Camphuchia cảnh báo arsenic bằng biển đỏ

Tại các vùng của Camphuchia có các giếng khoan nhiễm arsenic, chính quyền địa phương sơn đỏ lên vòi nước nhằm cảnh báo dân chúng, theo Noy Kimhong, phóng viên Apsara News Network Cambodia và là tác giả một bài phóng sự mới đây về ô nhiễm arsenic ở nước này.

Trao đổi với người viết bài này, Noy Kimhong cho biết, các tổ chức phi chính phủ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sơn đỏ lên các vòi nước bên các giếng bơm tay được xác định nhiễm arsenic nặng.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu quốc tế “Mức độ ô nhiễm arsenic ở châu thổ Sông Hồng và Mekong – Campuchia và Việt Nam”, khác với Việt Nam, Campuchia chọn cách sơn đỏ lên vòi nước giếng khoan để cảnh báo ở cộng đồng. Còn tại Việt Nam, theo GS.TS Phạm Hùng Việt – thành viên nhóm nghiên cứu quốc tế nói trên, chính quyền và UNICEF phối hợp cung cấp các thiết bị lọc nước cá nhân cho các gia đình nông thôn nhưng không ai biết số người chưa được bảo vệ khỏi arsenic là bao nhiêu.

Vẫn theo báo cáo, các mẫu tóc thu thập từ các cư dân hai nước Campuchia và Việt Nam sử dụng nước sinh hoạt nhiễm arsenic trên 50 microgram/litre có hàm lượng arsenic cao hơn đáng kể so với nhóm dùng nước nhiễm arsenic dưới 50 microgram/litre.

Phải mất 10 năm, triệu chứng nhiễm độc arsenic mới bộc phát và, vì thế, số ca bệnh liên quan đến arsenic ở Campuchia và Việt Nam có thể sẽ tăng trong tương lai, báo cáo nhận định.

Tại Làng Prek Russey, Huyện Koh Thom, Tỉnh Kandal, một trong những nơi bị nhiễm độc arsenic nặng nhất, Noy mô tả “Đến nay, thậm chí khi bảng màu đỏ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cảnh báo dân làng không dùng nước bơm tay bị mở xỉn từ lâu, những vết sẹo của phơi nhiễm thạch tín – các đốm đen phủ khắp cơ thể dân làng với hàng trăm nốt tàn nhang nhiễm độc, các chi hoại tử và bị cắt cụt - vẫn còn đó”.

Đón đọc Kỳ 3 “Vạn phúc – Vừng ơi mở ra”. Tại một xã ven Sông Hồng cách Thủ đô Hà Nội 10 km về phía đông nam, các nhà khoa học quốc tế tình cờ phát hiện một hình thế địa chất độc đáo giúp họ bước đầu lý giải bí ẩn hành trình của độc chất arsenic trong các tầng nước mà mắt thường không thể nhìn thấy, mở ra cơ hội mới kiểm soát arsenic trong nước ngầm mà hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn phải dựa vào để ăn uống.

Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG