Tôi đã đến hiện trường một nghiên cứu quốc tế kéo dài 15 năm lần đầu tiên giải thích cơ chế làm chậm ô nhiễm arsenic ở tầng nước sâu, tạo tiền đề giúp kiểm soát chất độc chết người đang đe doạ không chỉ 17 triệu người Việt Nam (VN) mà cả hơn 100 triệu người Châu Á.
Kỳ 1 - Bấp bênh kiểm soát arsenic
Bệnh tật do nhiễm độc arsenic trong nước uống, chủ yếu qua khai thác nước ngầm, ngày càng được xác định nguy hiểm hơn so với tưởng tượng trước đó trong khi nhiều vùng của VN cũng như nhiều quốc gia vẫn phải dùng nước ngầm để ăn uống.
Men theo đê dọc Sông Hồng vào một ngày nắng đổ lửa giữa tháng 6/2014, tôi lọ mọ tìm nhà bác Chử Văn Thuận cách trung tâm Hà Nội gần một tiềng đi xe máy. Một nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKHTN, ĐHQGHN), cho biết nhà bác Thuận là một trong những nơi được đoàn nghiên cứu quốc tế khoan nhiều mũi khoan nhất để tìm hiểu arsenic.
Sau 15 năm khảo sát, nhóm 19 nhà khoa học cả tây lẫn ta có được một bài báo đăng trên The Nature trình bày một phát hiện mang tính đột phá. Từ trước tới nay, Việt Nam mới có vẻn vẹn năm bài bài báo được đăng trên tạp chí danh tiếng nhất thế giới này.
Bác Chử Văn Thuận, Thôn 1, Xã Vạn Phúc, ra tận gần đê đón tôi. Người đàn ông cao ráo, làn da ngăm đen sang sảng giới thiệu từng là thuyền trưởng chỉ huy một tàu viễn dương chở hàng đi khắp Châu Á thuở trước. Trên con đường làng rợp bóng cây vào nhà bác là những cánh đồng trồng lúa, ngô, rau màu xen kẽ.
Tôi nhớ có tài liệu nói về một số loại thuốc trừ sâu từng dùng khá phổ biến là hợp chất của arsenic và chúng có thể làm tổn hại sức khoẻ. Chẳng hạn chì hygrogen arsenate (công thức hoá học là PbHAsO4) trừ bọ khoai tây khi kết hợp với một số hợp chất khác trên đồng ruộng sẽ gây tổn hại não cho người phun thuốc. Không những thế, arsenic còn được tất cả các loại cây hấp phụ, nhất là lá các loại rau.
Đoàn nghiên cứu quốc tế tại hiện trường Xã Vạn Phúc (Ảnh do thành viên đoàn nghiên cứu cung cấp).
Chợt thấy lo khi chưa thấy có nghiên cứu nào tìm hiểu nguy cơ nhiễm arsenic ở các làng ven Sông Hồng, nơi có nhiều nguồn nước ngầm nhiễm nặng thạch tín.
Ánh mắt ngời sáng, bác Thuận vừa nhâm nhi cốc nước vối, vừa kể lại cho tôi nghe câu chuyện đoàn nghiên cứu về Vạn Phúc khoan giếng từ hơn chục năm nay. “Cả làng ai cũng biết vì họ phải vào xin UBND Xã. Bác cũng được giao trông coi mấy chục cái giếng suốt dọc từ nhà bác xuống dưới thôn dưới”.
Vậy mà khi được hỏi có biết arsenic là gì không, bác Thuận và một số lão niên khác trong làng mà tôi tiếp xúc đều không biết. ”Bác chỉ biết họ về khoan nhiều giếng thôi. Nước giếng ở đây nhiễm sắt nhiều. Còn arsenic là chất gì thì bác chịu”, bác Thuận thành thật.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nghiên cứu nhiễn độc arsenic ở Việt Nam. Ông chính thức bắt tay nghiên cứu từ năm 1996, đúng 16 năm kể từ khi UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) đến các làng quê Việt Nam giúp bà con khoan giếng lấy nước sinh hoạt.
Suốt 10 năm thực hiện chương trình UNICEF, theo TS Côn, khoảng 2000 giếng đã được khoan trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tại những nơi có giếng khoan UNICEF sau này phát hiện nhiễm arsenic nặng, xuất hiện hiện tượng nhiều người mắc các bệnh ngoài da, thậm chí ung thư.
TS Côn và cộng sự nhận thấy nhiều mỏ nước ngầm ở Đồng bằng Sông Hồng - một trong hai châu thổ lớn nhất Việt Nam, và nhất là vùng Thủ đô Hà Nội, nhiễm nặng arsenic. Rất may nước ngầm ở nhiều nơi nhiễm sắt và dễ được phát hiện bởi màu vàng và mùi tanh đặc trưng; khi xử lý sắt, bản thân arsenic cũng được loại bỏ đáng kể. Nhiều gia đình và trạm cấp nước tập trung ở các đô thị VN có quy trình xử lý sắt và, vi thế, vô hình trung arsenic được loại bỏ đáng kể.
Tuy nhiên, TS Côn lại lo ngại quy trình xử lý arsnic hiện tại ở VN là thụ động, là “vô tình” khi xử lý sắt chứ không phải là quy trình chủ động. “Tôi chưa thấy trạm cấp nước nào ở Hà Nội có quy trình chủ động xử lý arsenic mặc dù cơ quan chức năng thỉnh thoảng đi kiểm tra chất lượng nước”, TS Côn nói.
“Điều đó có nghĩa chúng ta không thể chủ động phòng tránh được độc chất này. Việc Bộ Y tế công bố ngày 2/7 nước sinh hoạt ở trạm cấp nước Mỹ Đình II chứa arsenic vượt ngưỡng cho phép phải chăng là ví dụ mới nhất về việc chúng ta không chủ động kiểm soát và loại trừ arsenic?”.
Photo: ..Biểu đồ tỉ lệ mắc ung thư của chuột khi phơi nhiễm arsenic ở các nồng độ khác nhau trong suốt vòng đời của chúng. Cột màu vàng (ngoài cùng bên trái) thể hiện tỉ lệ chuột mắc ung thư khi phơi nhiễm arsenic ở hàm lượng thấp hơn 50 ppb, tức hàm lượng có thể cho phép trong nước sinh hoạt dành cho người.
Cột màu xanh da trời tiếp theo thể hiện tỉ lệ ung thư khi phơi nhiễm arsenic hàm lượng 50 ppb. Cột thứ ba, màu da cam, chỉ ra tỉ lệ ung thư khi phơi nhiễm arsenic ở liều 500 ppb. Cuối cùng, cột màu xám ngoài cùng bên phải, thể hiện tỉ lệ mắc ung thư khi phơi nhiễm arsenic ở liều 5000 ppb.
Biểu đồ trên cho thấy, ngay ở liều arsenic thấp hơn 50 ppb, ngưỡng mà con người có thể phơi nhiễm trong thực tế ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hơn 20 % chuột thí nghiệm mắc ung thư cả lành tính và ác tính. Còn ở liều 50 ppb, hơn 50 % chuột thí nghiệm mắc ung thư. Đến liều 500 ppb, khoảng 55 % chuột thí nghiệm phát hiện mắc ung thư.
Đáng chú ý, ở liều 5000 ppb, tỉ lệ chuột mắc ung thư chỉ ở mức 25 %. Như vậy, chuột có thể mắc ung thư khi phơi nhiễm arsenic ở tất cả các liều, nhất là liều thấp, điều lâu nay hầu như không ai nghĩ đến. Và ở liều cao arsenic, tỷ lệ mắc ung thư lại thấp hơn hẳn so với khi phơi nhiễm arsenic liều thấp. Đây cũng là nghịch lý trước đó chưa phát hiện ra.
VN, Campuchia, Indonesia – điểm nóng ô nhiễm arsenic
Việt Nam, Campuchia, Sumatra (Indonesia) cùng Châu thổ Irrawaddy (Myanmar) và Thailand được xác định là các trọng điểm có nguồn nước ngầm nhiễm arsenic ở Đông Nam Á.
Một số nghiên cứu của UNICEF cho thấy, nồng độ arsenic trong các mẫu nước ngầm ở Việt Nam cao hơn mức quy định 10 mg/l của WHO và Cộng đồng Châu Âu.
Tại Đồng bằng Châu thổ Sông Mekong và Đồng bằng Châu thổ Sông Hồng, các chỉ số ấy tương ứng là 30 mg/l và trên 150mg/l. Trong khi đó, báo cáo từ Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho biết, từ năm 2010, có đến 150.000 người sống dọc các sông Tonle, Mekong (chảy qua Việt Nam), và Bassac dùng nước khai thác từ các giếng nhiễm hoá chất có thể gây ung thư da và các loại ung thư các sau một thời gian dài tiếp xúc.
Từ đó đến nay, người ta nỗ lực xác định và đánh dấu các giếng nhiễm bẩn cũng như tìm nguồn cung nước thay thế. Thông tin này được Noy Kimhong, phóng viên vừa có bài điều tra về arsenic đăng trên báo điện tử Apsara News Network Campuchia, chia sẻ với người viết bài này.
Hàm lượng thạch tín cao, suốt 15 năm qua, được tìm thấy trong thực phẩm và nước ở 10 tỉnh, nặng nhất là ở các tỉnh Kandal, Kampong Cham, và Prey Veng.
Không chỉ Việt Nam, Campuchia, khoảng 10 triệu ha ở khu vực bờ phía đông Đảo Sumatra, Indonesia, cũng có nguy cơ ô nhiễm arsenic cao trong nước ngầm.Nhà báo Irma Tambunan, làm việc ở tòa soạn Báo Harian Kompas, Indonesia, chia sẻ với tác giả bài viết này thông tin nghiên cứu khoa học được các nhà khoa học Thụy Sĩ phát hiện.
Còn nữa