Hỗ trợ và duy trì tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Hỗ trợ và duy trì tăng trưởng
TP - “15 năm gây dựng bao công sức nhưng cũng đành phải dừng lại. Những nhân sự theo chân công ty qua những ngày tháng khó khăn sẽ được chúng tôi hỗ trợ thêm 1 tháng lương tìm việc mới.

Sau gần 2 năm chống chọi với COVID-19, nay đã kiệt sức”. Dòng tin nhắn của người bạn gần nửa đêm khiến người nhận không khỏi thẫn thờ.

Đêm qua chắc chắn là đêm khó ngủ của người bạn tôi cũng như hơn 50 nhân sự bị mất việc. Hơn 50 gia đình liên quan sẽ phải đối mặt những khó khăn trước mắt khi nguồn thu nhập không còn được duy trì. Kiếm việc mới thời dịch bệnh không phải việc dễ. Kiếm được việc đúng nghề, lương ổn định càng khó khăn hơn.

Đại dịch COVID-19, kéo dài từ cuối 2019 đến nay, đã làm các nền kinh tế suy yếu và chịu ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Những góc khuất của nền kinh tế cũng dần hiện rõ khi cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn.

Nền kinh tế cũng đang đối mặt với những phép thử rất khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với mức độ rộng hơn cả ba lần trước cộng lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh số doanh nghiệp "buông súng", lùi bước trước những cạnh tranh gay gắt trên thương trường, số lượng mới tham gia thị trường cũng không ít. Sóng gió, đã khiến biết bao doanh nghiệp có thâm niên trên thương trường sụp đổ, chắc cũng khiến các doanh nghiệp mới khó tránh khỏi khó khăn.

Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Quốc hội sáng 22/7 cho thấy, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và chi cho công tác phòng chống COVID-19 trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là 168.800 tỷ đồng. Một gánh nặng chi tiêu rất lớn đang đè nặng lên Chính phủ với rất nhiều đầu việc lớn phải giải quyết tiếp trong thời gian tới.

Dịch COVID-19 có thể kéo tụt tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam là “cảnh báo” mới nhất được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra ngày 21/7.

Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,5%, giảm nhẹ so với dự báo 6,7% được đưa ra trước đó.

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều ý kiến về việc cần xây dựng, tính lại các kịch bản cho nền kinh tế trong bối cảnh hàng loạt địa phương phải thực hiện giãn cách.

Thật khó để có câu trả lời chính xác cho việc kinh tế sẽ phục hồi ra sao trong các tháng còn lại của năm 2021 cũng như năm tới. Có thực tế là, chừng nào dịch COVID-19 còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn, chừng đó nền kinh tế khó có thể tăng trưởng. Khi những xương sống của nền kinh tế không còn vững mạnh, số doanh nghiệp đóng cửa tăng cao, tỷ lệ người dân mất thu nhập nhiều hơn, nền kinh tế lúc đó sẽ không tránh khỏi sự chao đảo.

Bên cạnh những giải pháp về giãn hoãn thuế, việc đẩy nhanh tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; nhanh chóng thực hiện giải ngân các gói hỗ trợ, có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp… sẽ là những chìa khóa để mở từng cánh cửa cho các ngành nghề và nền kinh tế vượt qua khó khăn duy trì tăng trưởng đồng thời với khoanh vùng, đẩy lùi dịch.

P.T

MỚI - NÓNG