TPHCM, thành phố lớn sầm uất và sôi động bậc nhất Việt Nam đang sống trong những ngày lo âu, phấp phỏng. Đâu đó trong mỗi gia đình, phía sau nhiều ngôi nhà, đặc biệt của những người dân lao động đang ẩn chứa nỗi niềm, xen lẫn những lo toan cơm áo gạo tiền.
COVID-19 đang hoành hành, tàn phá nền kinh tế khi tất cả các thành phố, tỉnh thành trong cả nước một tuần nay phải xác định tâm thế “cửa đóng then cài”, chấp nhận giãn cách, xét nghiệm khi đi lại giữa các địa phương để đảm bảo “chặn” tốc độ lây lan của virus trong cộng đồng. Cũng trong bối cảnh này, Chính phủ vừa khẩn cấp phê duyệt gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68) nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch.
Cùng thời điểm, hàng loạt hiệp hội, ngành nghề vẫn đang đệ đơn kêu cứu khẩn cấp lên Thủ tướng với nguyện vọng tha thiết: đồng loạt đều xin gói hỗ trợ. Thông điệp chung là đề xuất Chính phủ hãy dang tay cứu, nếu không lĩnh vực, ngành nghề đó sẽ rơi vào thảm cảnh “chết lâm sàng”, thậm chí nhiều doanh nghiệp cận kề bờ vực phá sản. Thậm chí, các hiệp hội: Hàng không, Vận tải, Doanh nghiệp trẻ, Du lịch… đều ngỏ lời xin Chính phủ hỗ trợ “bơm tiền”, đề xuất ngân hàng cấp khoản vay mới với lãi suất vay ưu đãi cùng chính sách thuế gia hạn hay miễn giảm.
Như nhà đông con, bố mẹ vừa khó, vừa nghèo, vừa đang rơi vào tình cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”, Chính phủ lúc này dù không nói ra nhưng chắc chắn “đau đầu” bởi ưu tiên hỗ trợ bắt đầu từ đâu cũng là câu chuyện. Xét trên diện rộng, lĩnh vực, ngành nghề nào cũng quan trọng. Nếu không có hàng không, sẽ không phát triển được giao thông, du lịch, giao thương - một trong những mũi nhọn tăng trưởng kinh tế. Nếu không có vận tải, logistic giao thương sẽ không như kỳ vọng, hay không có du lịch thì đóng góp cho GDP của nền công nghiệp không khói sẽ tụt đến mức nào?
Nhưng nếu cứu, chỉ thử ngồi nhẩm tính: 3 ông lớn hàng không đã “ngốn” tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Các hiệp hội, ngành nghề gom lại cũng con số tương tự. Tiền, Chính phủ sẽ lấy từ đâu ra: ngân sách, của để dành, hay cơ chế? Cũng tương tự, như du lịch hay vận tải, nhiều doanh nghiệp đang tê liệt và sống dở chết dở vì chạy ăn từng bữa nay vẫn phải lo trả lãi ngân hàng. Với dư nợ lớn, mà nay rơi vào tình cảnh nợ xấu, nợ khó đòi, thì giới nhà băng loay hoay xử lý thế nào? Còn giảm, miễn thuế, đồng nghĩa “nồi cơm quốc gia” sẽ hao hụt, thu thuế không được, trăm thứ chi tiêu đang ngóng cả vào, đặc biệt phần chi tiêu an sinh xã hội, tình thế sẽ đưa đẩy về đâu? Cho nên, nói như các chuyên gia, việc cứu doanh nghiệp, ngành nghề là rất cần thiết, nhưng rất cần sự thanh lọc. “Mỗi dịp khủng hoảng cũng là đợt đào thải doanh nghiệp yếu kém, chỉ doanh nghiệp đủ sức khoẻ tốt mới qua được cơn khủng hoảng”, một chuyên gia kinh tế chia sẻ.
Nhưng hỗ trợ và thanh lọc cũng là hai vế đối kháng trong một mệnh đề. Xét đến cùng, cần thiết, Chính phủ sẽ phải lựa chọn.