Năm ngoái, kể từ 0h đêm 28/7, Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố để chống dịch. Khiến tôi có những lúc chợt như mất cảm giác về thời gian. Khi chạy xe trên những đường phố vắng tanh, những hàng quán đóng cửa, những con người thấp thoáng nhìn nhau từ xa. Để chợt nhớ tới những đại lộ, vỉa hè đường phố hoang vắng và mất dần tăm tích giữa sương mù ký ức trong văn chương Patrick Modiano.
Cảm giác về những ngày ấy có lẽ còn theo tôi nhiều năm tháng nữa. Nhưng vẫn không đủ giúp tôi hình dung về những thời khắc "đứng yên" của một đô thị sầm uất với dòng chảy khổng lồ không ngưng nghỉ như TPHCM.
Tôi đọc được trong nhiều cuốn tiểu thuyết siêu thực, về những nhân vật bốc hơi khỏi thành phố, và cả về những thành phố bị biến mất, không tăm tích. Như trong “Thành phố bị kết án biến mất” của họa sĩ Trần Trọng Vũ. Người đàn ông tên X., mà “giữa X và thành phố chỉ có hơi nước và hơi nước che khuất một hình ảnh mà anh đi tìm”. Hơi nước, từ ống xả xe máy, xe hơi, taxi ngột ngạt, từ hơi thở, những tảng đá lạnh băng bốc hơi, từ ly cà phê, và hơi nước trong chính căn phòng một người của X nơi anh ta cư ngụ trong tình trạng dễ bị đồng hóa vào nó... Hơi nước trở thành nhân vật chính, chứ không phải con người.
Hơi nước ấy, nếu là ở thành phố đang “đứng yên” vì dịch COVID-19 kia, thì đó là từ triều cường, từ hơi thở, mồ hôi và cả nước mắt của những đời người cần lao. Họ cũng đã là những người kiệt sức đầu tiên.
Thành phố “đứng yên”, nhưng không thể chùng xuống. Tất cả vẫn căng như dây đàn. Là chiến dịch xét nghiệm, truy vết, chiến dịch tiêm vắc-xin. Là sự thao thức đồng lòng của người dân.
Những lời động viên, những cái ôm, cùng bao hồi ức đẹp về thành phố phương Nam trên mạng xã hội. Những củ khoai củ sắn, cân rau xanh chuyển đến tiếp sức “người khổng lồ” đang ốm mệt từ những vùng quê nghèo, những bà mẹ nghèo. Không chỉ vì nghĩa đồng bào lúc hoạn nạn, mà nơi thành phố đang kiệt sức ấy, có con có em, có người thân của họ và của đông đảo chúng ta.
“Thành phố là một cỗ máy gây nghiện không lối thoát”. Hàm nghĩa mà Rem Koolhaas đưa ra ở trên, như một quy luật và kinh nghiệm sinh tồn của con người thời hiện đại. Nhưng không biết đã khi nào vị kiến trúc sư, và là nhà Đô thị học nổi tiếng người Hà Lan chủ soái của trào lưu Giải cấu trúc (Deconstructivism) ấy bước chân trên đường phố Sài Gòn chưa? Để thấm được cấu trúc tinh thần đầy thương khó của những người mẹ nghèo mù chữ với xấp vé số trên tay rảo bước hàng trăm cây số khắp vỉa hè ngõ hẻm bất kể nắng mưa. Là hình ảnh hiện lên rõ nhất sau những làn hơi nước...