Bội thực đề xuất Nhà nước giải cứu doanh nghiệp: Chuyển sang mua cổ phần?

0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn nửa năm, gói 4.000 tỷ đồng Nhà nước cho Vietnam Airlines vay ưu đãi mới bắt đầu được giải ngân Ảnh: Phạm Thanh
Sau hơn nửa năm, gói 4.000 tỷ đồng Nhà nước cho Vietnam Airlines vay ưu đãi mới bắt đầu được giải ngân Ảnh: Phạm Thanh
TP - Trước các cuộc khủng hoảng lớn, Nhà nước mua cổ phần để “giải cứu” doanh nghiệp (DN) tư nhân lớn không còn lạ tại các nước phát triển.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN liên tục kiến nghị Nhà nước cho vay hàng nghìn tỷ đồng không lãi suất, nhưng ít ai đề xuất Nhà nước mua cổ phần để hỗ trợ DN tư nhân? Do đó, một số ý kiến cho rằng, nên đa dạng hình thức hỗ trợ DN, kể cả việc Nhà nước tham gia như nhà đầu tư lúc khó khăn.

Ðủ loại đề xuất

Do ảnh hưởng của dịch, từ giữa năm 2020 tới nay, Nhà nước đã có không ít chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong đó tập trung nhiều vào hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, khó khăn do dịch bệnh vẫn tiếp tục đẩy nhiều DN vào thế khó, các đề xuất “giải cứu” vẫn liên tục dồn lên các cơ quan nhà nước.

Cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị Chính phủ hạ dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm, để kéo giảm lãi suất cho vay. Tương tự như các nước châu Âu, Mỹ, thậm chí một số nước ASEAN đã đưa lãi suất tiền gửi về 0%. Bên cạnh đó là các chính sách thu phí gửi ngoại tệ để đảm bảo ổn định tỷ giá...

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô đăng ký mới để kích cầu. Ngoài ra, nhiều hiệp hội, DN cũng kiến nghị Chính phủ có thêm các gói vay ưu đãi, giảm lãi suất vay, không chuyển nhóm nợ; thậm chí tăng hạn mức cho vay lên 110% giá trị tài sản đảm bảo thay vì 70-80% hiện hành...

Cộng đồng DN đã gửi nhiều kiến nghị tới Chính phủ hỗ trợ cho vay ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay chỉ Vietnam Airlines (DN mà Nhà nước nắm 86% cổ phần) được Quốc hội thông qua gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng. Trong đó, vay lãi suất ưu đãi trị giá 4.000 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng (Nhà nước thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC để mua cổ phần).

Sau hơn nửa năm làm thủ tục, vào tuần trước, gói vay này đã chính thức được ký hợp đồng để giải ngân, riêng phần tăng vốn, hãng này kỳ vọng tới cuối quý 3 này xong thủ tục để triển khai.

Ða dạng cách “giải cứu”

Từ câu chuyện của Vietnam Airlines, xuất hiện một số đề xuất kiến nghị của hàng loạt các DN cùng lĩnh vực khác như VietJet Air đề nghị được vay 4.000-5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm; Bamboo Airways đề nghị được vay khoảng 10.000 tỷ, trong đó một nửa vay dài hạn với lãi ưu đãi, nửa còn lại vay tái cấp vốn lãi 0%...

Thậm chí, có ý kiến đề xuất giải pháp Chính phủ có thể thông qua Ngân hàng Nhà nước, hoặc SCIC mua cổ phần các DN tư nhân, khi thị trường phục hồi sẽ bán ra thu hồi vốn. (Tương tự như Chính phủ Mỹ từng dùng ngân sách hỗ trợ và nắm cổ phần tại các DN lớn trước bờ vực phá sản giai đoạn 2007-2010, như hãng ô tô General Motors, Công ty bảo hiểm AIG...).

Nói với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế - TS.Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đề xuất Nhà nước mua cổ phần DN tư nhân để hỗ trợ cũng là đề xuất tốt. Giải pháp này vừa đảm bảo vai trò hỗ trợ nền kinh tế của Nhà Nước và đảm bảo công bằng giữa các loại hình DN. “Đây là hình thức hỗ trợ kinh tế tương đối tiến bộ, các nước phát triển đã áp dụng nhiều, chúng ta cũng nên có các bước nghiên cứu triển khai”, ông Kiêm nói.

Chưa thể đầu tư vào DN tư nhân

Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ (đồng Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines) cho biết, gói 12.000 tỷ đồng hỗ trợ Vietnam Airlines đã áp dụng cả 2 hình thức là cho vay tái cấp vốn và mua thêm cổ phần để hỗ trợ. Trước nay cũng có 1 số trường hợp Nhà nước mua lại cổ phần của DN sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiện tại chưa có khung pháp lý cho hoạt động này, nên SCIC thay Nhà nước mua cổ phần để hỗ trợ Vietnam Airlines tới nay vẫn chưa giải ngân được.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất Nhà nước mua cổ phần như 1 nhà đầu tư để hỗ trợ DN lúc khó khăn, bất kể loại hình nào, có thể qua SCIC. Khi đó, Nhà nước tham gia cùng điều hành DN, tương tự DN mà Nhà nước nắm cổ phần, thị trường tốt lên sẽ thoái vốn”, ông Kỳ nói. Vị doanh nhân này kỳ vọng, qua đầu tư, Nhà nước cùng dấn thân, đồng hành với DN lúc khó khăn.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ phải nhanh, kịp thời, nếu vướng quy định pháp luật, các ủy ban của Quốc hội cần vào cuộc xử lý, thay vì để thủ tục rườm rà, tới khi có thể nhận được hỗ trợ thì DN đã dừng hoạt động.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất, bên cạnh các giải pháp về giãn thuế, giảm phí đã áp dụng, Nhà nước có thể xem xét giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Chính sách này, giai đoạn 2008-2012 đã từng được áp dụng cho DN du lịch, với mức giảm từ 10 xuống 8%. Còn bây giờ nên giảm thuế VAT xuống còn 5%. Bên cạnh đó, với số thuế VAT còn lại phải nộp, Nhà nước nên cho phép DN được vay lại với lãi suất ưu đãi, Như thế sẽ giúp DN duy trì việc làm, Nhà nước nuôi dưỡng được nguồn thu thuế.

TS Cao Sỹ Kiêm chia sẻ, do thiếu quy định pháp luật, nên chưa thể áp dụng việc Nhà nước tham gia “cứu” DN tư nhân thông qua mua cổ phần. Chưa kể, tâm lý chung là DN vẫn muốn Nhà nước thoái vốn khỏi DN, nay làm ngược lại rất khó.

“Hiệu quả kinh doanh của DN nhà nước chưa tốt nên còn gây ra nghi ngại. Tuy nhiên, cũng cần có nghiên cứu về giải pháp mà các nước đã và đang làm, vì tương lai còn nhiều cú sốc với nền kinh tế”, ông Kiêm nói thêm.

Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, việc dùng vốn Nhà nước mua cổ phần để hỗ trợ DN tư nhân gặp khó khăn chưa có quy định. Còn hiện tại, việc SCIC dùng vốn kinh doanh trên phải theo quy định pháp luật và thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Tiến cho rằng, với lĩnh vực quan trọng, làm nhiệm vụ an sinh Nhà nước cần hỗ trợ nhưng cũng phải lưu ý việc bảo toàn vốn nhà nước”

Nếu SCIC là Quỹ đầu tư Chính phủ có thể tham gia với vai trò đầu tư hỗ trợ DN tư nhân trong lĩnh vực quan trọng gặp khó khăn, nhưng tương lai có hiệu quả. Tuy nhiện, hiện tại, SCIC vẫn là công ty nhà nước như hiện nay, thì không thể đầu tư vào DN tư nhân”, ông Tiến nói.

MỚI - NÓNG