Hỗ trợ ông Long tái hòa nhập cộng đồng

Ông Hàn Đức Long trước bàn thờ tổ tiên trong ngày trở về.
Ông Hàn Đức Long trước bàn thờ tổ tiên trong ngày trở về.
TP - Ông Hàn Đức Long đã được trả tự do sau hơn 4.000 ngày trong trại giam, bắt đầu một cuộc sống mới với nhiều khó khăn, vất vả. Chính quyền địa phương đang có những hỗ trợ ban đầu giúp ông tái hòa nhập cuộc sống.

Ngày thứ ba trở về nhà nhưng trả lời các cơ quan báo chí, ông Hàn Đức Long đều cho biết, trước mắt sẽ dành thời gian để phục hồi lại sức khỏe và chăm sóc cho vợ, con sau bao nhiêu ngày xa cách. Ông chưa nghĩ đến việc đòi bồi thường cũng như tố cáo những người đã gây nên nỗi oan nghiệt cho mình. “Tôi tin vào pháp luật và sự công bằng”, ông Long nói. 

Chính quyền địa phương nơi ông Long sinh sống cũng đã có những động thái ban đầu đối với ông. Trả lời phỏng vấn Tiền Phong chiều 22/12, ông Đinh Đức Cảnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tân Yên cho biết, ngay sau khi biết tin ông Hàn Đức Long được trả tự do, huyện Tân Yên đã có những chỉ đạo và việc làm thiết thực hỗ trợ ông Long và gia đình. 

Huyện đã tổ chức đoàn gồm đại diện chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân đến động viên thăm hỏi ông Long và gia đình. Tuy nhiên, khi được hỏi gia đình cần hỗ trợ gì thì ông Long và gia đình đề nghị sớm làm cho ông Long các chế độ, chính sách liên quan đến chính sách dành cho bộ đội, phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. 

Đại diện các cơ quan chức năng đã đề nghị ông Long cung cấp các giấy tờ cần thiết để sớm thực hiện. “Đây là việc cần thiết để ông Long có thể có các chế độ chính sách về bảo hiểm y tế, trợ cấp hàng tháng… giúp ông có thêm thu nhập, bảo đảm ổn định đời sống. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo những đơn vị theo ngành dọc đến thăm hỏi, động viên ông Long và gia đình”, ông Cảnh nói.  

Tuy nhiên, ông Cảnh cũng lưu ý đến một hoàn cảnh khác đang rất đau xót, đó là gia đình cháu Nguyễn Thị Yến, nạn nhân của vụ án từ năm 2005. “Hai gia đình khá gần nhau nên huyện chỉ đạo và có ý kiến với ông Long là sự trở về của ông cũng rất là vui mừng nhưng cũng cần tổ chức sao cho hợp lý. Và đặc biệt là với gia đình cháu Yến, bị hại. 

Người ta cũng xót con, xót cái nên có thể sẽ gây ra mâu thuẫn với gia đình ông Long. Chúng tôi cũng đến gia đình cháu Yến vận động, giải thích, động viên gia đình là hiện nay các cơ quan chức năng chỉ tạm dừng vụ án để điều tra tiếp tục chứ không phải là không điều tra nữa để gia đình không bức xúc thành những điểm nóng”, ông Cảnh cho biết.

Ông Trần Văn An, Chủ nhiệm đoàn Luật sư Bắc Giang, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình cháu Nguyễn Thị Yến trong phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 (năm 2011) tâm sự: Ông là người được Hội phụ nữ tỉnh mời bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại. 

Tại các phiên tòa thì giữa hai gia đình rất căng thẳng với nhau. “Khi đó, bản thân tôi cũng nhận thấy, chứng cứ để xác định hành vi phạm tội của Hàn Đức Long rất yếu. Khi xét xử xong, Hàn Đức Long vẫn bị kết án tử hình với các tội danh mà VKSND truy tố. Nhưng bản thân tôi nhận thấy, dù có thắng kiện nhưng tôi vẫn không cảm thấy vui”, ông An chia sẻ.  

Cũng theo ông An, đến nay cả xã hội và đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định rằng mình còn có một món nợ rất lớn, trách nhiệm rất lớn đó là tìm ra thủ phạm thực sự của vụ án.

MỚI - NÓNG