Ông Hàn Đức Long: 'Nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết cho xong'

Ông Hàn Đức Long (trái) và người bào chữa cho mình - luật sư Ngô Ngọc Trai
Ông Hàn Đức Long (trái) và người bào chữa cho mình - luật sư Ngô Ngọc Trai
TPO - Ông Hàn Đức Long từng nhiều lần nghĩ quẩn, muốn chết cho xong vì bị tòa bác các chứng cứ ngoại phạm. Trong khi đó vợ ông kiên trì luyện chính tả để viết đơn kêu oan cho chồng.

Tại buổi giao lưu trực tuyến trên báo Pháp luật Việt Nam (Pháp luật Plus) sáng nay, ông Hàn Đức Long (SN 1959, ở Tân Yên, Bắc Giang) cho biết, suốt 11 năm qua, ông cùng gia đình luôn tin vào công lý, kiên trì kêu oan dù gặp không ít khó khăn. Theo ông Long, trong 11 năm qua ông đều phải ngủ trên bệ xi măng và có tới 7 năm bị xiềng chân. 

Ông Long cho biết, mình đang mắc bệnh huyết áp cao lại đau xương khớp nên sức khỏe khá yếu nhưng rất vui khi được trở về nhà. Hiện tại ông chỉ muốn ở bên gia đình, nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe còn những việc khác ông chưa có dự định.

Ông nói thêm trong thời gian ở tù không ít lần nghĩ quẩn, muốn chết đi cho xong. Đó là những lúc thất vọng, chán chường khi mấy lần xử đều bị tòa bác bỏ những chứng cứ ngoại phạm hoặc những lúc thương vợ con khi phải chạy vạy kêu oan một cách tốn kém, khổ sở.

'Có nhiều lúc tôi thấy rất bất công, chán nản và nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết đi cho xong, sau mấy lần xử đều bị Tòa bác bỏ những chứng cứ ngoại phạm và tiếp tục tuyên y án', ông Long giãi bày.

Theo ông Long, thời gian ở trại giam, hễ có cơ hội là ông lại kêu oan. Đặc biệt, khi biết tin ông Chấn và ông Nén được giải oan thì ông Long và gia đình càng tin tưởng và cố gắng kêu oan hơn nữa.

Cũng theo ông Long, ông đã hàng nghìn lần khẳng định trước cơ quan điều tra các cấp, trước tòa và trước luật sư rằng không hề có tội. Lý do mà ông nhận tội giết người, hiếp dâm là vì ở thời điểm đó ông bị hành hạ, bức cung, hơn nữa lời khai của ông cũng không được ghi chép chính xác.

Ông Hàn Đức Long: 'Nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết cho xong' ảnh 1

Người vợ không ngại gian khó, ngày ngày tháng tháng đi kêu oan cho chồng. Và giờ đây bà đã có thể vui mừng vì chồng được tự do. Ảnh Hoàng Lịnh/Phapluat Plus

Nói về hành trình kêu oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Mai cho biết, cũng có lúc có cảm giác đơn độc bởi lẽ khi nói lên sự thật việc này, bởi phải đi kêu oan cho người bị án tử, mang thân phận tử tù, nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản và định buông xuôi.

Theo bà Mai, tiền bạc, sức khỏe bào mòn, ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình nhưng cũng thật may mắn khi những người họ hàng đã không ngại cho vay tiền để tôi tiếp tục hành trình. Rồi, khi kêu oan cho chồng thì còn có những luật sư luôn hết lòng giúp đỡ, báo đài luôn đồng hành giúp đỡ. 'Tôi xin cảm ơn tất cả!', bà Mai nói.

Bà Mai cho biết, trong 11 năm qua đã đi khắp các cơ quan từ Bắc Giang tới trung ương để kêu oan cho chồng, bà không thể nhớ đã viết bao nhiêu lá đơn chỉ biết thời gian đầu cứ mỗi tuần gửi một lá, về sau ít hơn thì 1 tháng gửi đơn 1 lần dù không nhận được hồi âm.

“Thời gian đầu, chữ tôi rất xấu lại sai chính tả không có chấm phẩy nào. Tôi phải bảo con gái viết cho đẹp. Sau này, tôi tự viết được đơn hoặc mang ra hàng nhờ người ta đánh máy cho chuẩn” – bà Mai nói với PV Tiền Phong chiều 21/12.

Bà Mai cho biết thêm rất xúc động, không tin vào mắt mình khi chồng về nhà bởi không hề được thông báo trước. Hiện tại, dự định của bà Mai là chữa bệnh cho ông Long bởi sức khỏe ông đã quá yếu sau 11 năm ngồi tù.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.