Hitler và số phận bi thảm của một họa sĩ hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thị trấn Davos - vùng Graubünden, một địa chỉ “hút hồn” nhất của Thụy Sĩ, đây cũng là nơi sống cuối đời của một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Là nơi vừa diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF - 22/5), thị trấn Davos (Thụy Sĩ) cũng là nơi Ernst Ludwig Kirchner, người nghệ sĩ đã khai mở Chủ nghĩa Biểu hiện Đức sống ngay trước thềm Thế chiến thứ hai. Nơi đây chứng kiến một đời sống âm thầm nhưng kỳ lạ của một trong những nghệ sỹ nổi tiếng nhất trong lịch sử hội hoạ hiện đại. Dù sống ở Thụy Sĩ, nhưng ông đã chết vì sự tàn ác với nghệ thuật hiện đại của Hitler.

Thị trấn Davos - vùng Graubünden, một địa chỉ “hút hồn” nhất của Thụy Sĩ, đây cũng là nơi sống cuối đời của một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Hitler và số phận bi thảm của một họa sĩ hiện đại ảnh 1

Ông Ernst Kirchner trong studio của ông ở Berlin

Ernst Ludwig Kirchner là một nhân vật quan trọng trong lịch sử nghệ thuật – người sáng lập của Die Brücke, nhóm nghệ sĩ đột phá đã khởi xướng Chủ nghĩa Biểu hiện Đức ngay trước Thế chiến I.

Die Brücke đã định hình nghệ thuật hiện đại và Kirchner là nghệ sĩ tài năng nhất trong số họ. Vai trò của ông trong phong trào có ảnh hưởng lớn này đã được các sử gia nghệ thuật thừa nhận, nhưng hầu hết các tài liệu ghi lại cuộc sống và sự nghiệp của ông dừng lại vào năm 1917, khi ông đến Davos.

Kirchner đã dành nửa cuộc đời của mình ở Davos. Ông làm nhiều tác phẩm nghệ thuật ở đây hơn bất cứ nơi nào. Vậy tại sao 20 năm ông ở đây lại bị thu gọn lại thành một vài dòng ngắn ngủi trong lịch sử nghệ thuật phương Tây?

Hitler và số phận bi thảm của một họa sĩ hiện đại ảnh 2

“Cảnh ban công”, 1935

“Giai đoạn này trong sự nghiệp ông Kirchner không quen thuộc lắm với phần lớn công chúng”, bà Katharina Beisiegel, giám đốc Bảo tàng Kirchner, cho biết. “Họ bị mê hoặc bởi phong cảnh, bởi phong cách hội họa mà ông ấy đã phát triển ở đây. Nhưng những bức tranh này quá khác so với những bức tranh ông vẽ ở Berlin trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong khi các nghệ sĩ Đức khác trở về nhà và ghi lại nỗi thống khổ của Tổ quốc họ, Kirchner đến Thụy Sĩ và vẽ một vùng đất không hề bị chiến tranh động tới.

Kirchner đến Davos vào năm 1917, ở tuổi 37, để phục hồi sức khỏe sau khi bị suy nhược thần kinh và thể chất do thời gian phục vụ trong quân đội Đức Thế chiến I.

May mắn thay, họa sĩ biết một bác sĩ người Đức, người rất hâm mộ công việc của ông. Bác sĩ này mời Kirchner đến Davos, nơi được coi là khu nghỉ dưỡng chữa bệnh hàng đầu châu Âu. Là thành phố cao nhất châu Âu (1.560m), khí hậu miền núi có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của bệnh lao. Vì vậy, rất nhiều phòng khám và điều dưỡng đã mọc lên ở đây, không chỉ để điều trị bệnh lao mà cả các bệnh khác.

Hitler và số phận bi thảm của một họa sĩ hiện đại ảnh 3

“Rathaus, Davos Platz”, 1931

Sau khi điều trị xong, Kirchner ở lại Davos, thế nhưng ông không muốn sống ở trung tâm thành phố. Thay vào đó, ông thuê một túp lều thô sơ bằng gỗ trên Stafelalp, một đỉnh đồi lộng gió cách Davos chỉ hơn 300m. Đối với một người thành thị như Kirchner, lối sống nông thôn này là một trường hợp “được ăn cả, ngã về không”.

Cuộc sống ngoài trời khắc khổ này có thể đã kết liễu ông. Thế nhưng nó lại đã làm ông tái sinh. Ông quyết định quay trở lại với hội họa. Nhưng giờ đây, thay vì cuộc sống đường phố về đêm tối tăm ở Berlin, ông bắt đầu vẽ những bức tranh vui tươi về phong cảnh xung quanh mình. “Tôi muốn ở lại thế giới này”, ông tuyên bố. “Những ngọn núi cao sẽ giúp tôi”.

Sau một vài năm ở Stafelalp, hoạ sĩ Kirchner chuyển đến một trang trại có tên In den Larchen, cách đó vài trăm mét - thoải mái hơn một chút và ít bị cô lập hơn, nhưng vẫn khá hoang sơ. Sau một vài năm ở đây, ông chuyển đến một trang trại khác cách đó khoảng một dặm. Ngôi nhà trong trang trại có tên là Wildboden này là nơi ông dành 15 năm cuối cùng của cuộc đời mình.

10 năm đầu tiên của Kirchner ở Wildboden, từ 1923 đến 1933, là những năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông. Ông Kirchner sống với nàng thơ suốt đời của mình, bà Erna Schilling, người mà ông đã biết từ những ngày còn ở Berlin.

Tuy nhiên, mối quan tâm thực sự duy nhất của nghệ sỹ này là công việc của mình. Tình cảm của ông dành cho bà Schilling là chân thành, nhưng ông đã từ chối kết hôn hoặc có con cùng bà.

Theo ông, ông không có khả năng yêu bất cứ ai đủ để trở thành một người chồng hoặc một người cha. Ông giải thích rằng những cảm xúc sâu sắc nhất của ông đã được truyền vào nghệ thuật của mình. “Công việc của tôi xuất phát từ sự khao khát cô đơn”, ông viết. “Càng hòa nhập với mọi người, tôi càng cảm thấy cô đơn”.

Đối với một họa sĩ đã làm nên tên tuổi của mình với cuộc sống sôi động của Berlin, đây là một thay đổi lớn, thế nhưng những tác phẩm mới của Kirchner vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Cho dù sống cô lập, ông vẫn giữ liên lạc với các đại lý tranh, và ông tiếp tục bán rất chạy ở Đức. Sau 10 năm ở Wildboden, tương lai của ông có vẻ an toàn. Ông đang ở độ tuổi ngoài 50, với năng lực nghệ thuật đang ở thời hoàng kim.

Nhưng rồi, Hitler lên nắm quyền ở Đức, và cuộc đời của Kirchner bắt đầu đổ vỡ. Lúc đầu, ông đã phủ nhận: “Chúng tôi đã nghe những tin đồn khủng khiếp về việc tra tấn người Do Thái, nhưng chắc chắn đó không phải sự thật”. Tuy nhiên, ngay cả ở nước Thụy Sĩ trung lập, tin xấu vẫn tràn ra từ Đức ngày một nhiều hơn.

Davos có vẻ như là một nơi tốt để ông Kirchner trú ẩn khỏi Đệ tam Đế chế (phát xít Đức), nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy thời bấy giờ. Mặc dù ông chỉ thi thoảng mới về Đức, nhưng đây vẫn là thị trường chính cho những tác phẩm của ông, và khi Đức Quốc xã bắt đầu tàn phá nghệ thuật hiện đại, doanh thu của ông bắt đầu giảm.

Và vấn đề không chỉ về tiền bạc. Kirchner là một người yêu nước, và những gì đang xảy ra ở Đức khiến ông vô cùng đau đớn. “Tôi là một họa sĩ người Đức”, ông nói. “Tôi sinh ra ở Đức, gặt hái được danh tiếng và bán tác phẩm của mình ở Đức. Bây giờ tôi cảm ơn đất nước bằng cách tiếp tục làm người Đức”. Ông Kirchner chưa bao giờ xin trở thành công dân Thụy Sĩ, mặc dù điều đó sẽ khiến cuộc sống của ông dễ dàng hơn rất nhiều.

Mọi chuyện tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Năm 1937, Kirchner bị Đức Quốc xã tố cáo là một nghệ sĩ “thoái hóa” và những tác phẩm của ông bị cấm bán hoặc trưng bày ở Đức.

Hàng trăm bức tranh của ông bị gỡ khỏi các phòng triển lãm. Thay vào đó, các tác phẩm nghệ thuật bị tịch thu này đã xuất hiện trong buổi “triển lãm nghệ thuật thoái hóa” khét tiếng của Đức Quốc xã, một sự trình bày thô thiển được tạo ra để chế giễu và sỉ nhục các nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện đại như Kirchner.

Nhiều tác phẩm sau đó đã được cứu và bán ra nước ngoài. Một số đã bị phá hủy. Như bà Schilling – người phụ nữ sống gần ông nhất xác nhận, điều này khiến Kirchner “đau khổ tột cùng về mặt tinh thần”. Là một người yêu nước, ông vẫn coi nước Đức là Tổ quốc của mình.

Năm 1938, lực lượng của Hitler tiến quân vào Áo. Davos chỉ cách biên giới Áo 24km. Đệ tam Đế chế chỉ còn cách vài giờ hành quân. Bây giờ chúng ta biết rằng Hitler không xâm lược Thụy Sĩ. Nhưng không ai lúc đó, bao gồm ông Kirchner, có thể chắc chắn về điều đó. “Những người đánh giá cao tranh của tôi là người Do Thái - người buôn tranh tốt nhất và tử tế nhất của tôi là người Do Thái”, ông viết, vào mùa xuân năm 1938. “Họ chấp nhận tranh của tôi”.

Vài tháng sau, ông đã tự bắn mình ở cánh đồng bên ngoài ngôi nhà. Bà Schilling cho biết, “ông ấy đã chọn một ngày đẹp trời rạng rỡ để kết thúc cuộc đời mình”.

Hoạ sĩ Kirchner được chôn cất tại nghĩa trang địa phương, trong một khu rừng rậm tuyệt đẹp cách Wildboden chưa đầy 100 mét. Bà Schilling sống một mình ở Wildboden cho đến khi qua đời vào năm 1945. Mộ bà được đặt sát với mộ ông. Mặc dù họ chưa bao giờ kết hôn, tên trên bia mộ của bà là Erna Kirchner. Cảm giác đó là sự tri ân phù hợp dành cho người phụ nữ đã hy sinh rất nhiều để ủng hộ nghệ thuật của ông.

Ba ngôi nhà nơi hoạ sĩ Kirchner sống đều vẫn đang đứng vững. Tất cả chúng đều trông giống nhau, và cảnh quan xung quanh chúng cũng vậy. Đứng bên ngoài chúng, bạn có thể nhận ra những khung cảnh mà ông đã vẽ nên. Cho dù không có căn nhà nào mở cửa cho công chúng, nhưng điều đó không quan trọng bằng quang cảnh xung quanh chúng. Đi bộ xung quanh chúng là một cách tuyệt vời để đi sâu vào tâm trí của người họa sĩ Đức đã sống và chết tại vùng núi Thụy Sĩ này.

Theo independent.co.uk, ngày 21/5/2022
MỚI - NÓNG