Ngày 8/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sẽ triển khai 5.000 quân đến Qatar với lý do thực hiện nhiệm vụ nhằm “đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực”.
Theo tuyên bố được phát đi từ văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã ký phê chuẩn dự luật cho phép triển khai 5.000 quân đến Qatar. Trước đó, ông Erdogan cũng đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các nước Ả-rập về việc cô lập Qatar với cáo buộc nước này tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Động thái của Ankara khiến xã hội nước này rơi vào cuộc tranh luận khi cho rằng, sự gia tăng quân số Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar có thể là điềm báo một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong tương lai nếu Qatar yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ lãnh thổ trước áp lực từ Mỹ và Ả Rập Xê-út.
Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington, ông Faruk Logoglu cho rằng: "Tuy trong các tuyên bố của Ankara về khủng hoảng Qatar có những từ ngữ như ‘đối thoại’ và ‘đồng thuận’, nhưng thông điệp chứa bên trong không khỏi làm tăng mối quan ngại.
Các phát biểu của Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Yildirim thể hiện không chỉ mong muốn đơn thuần hỗ trợ Qatar, mà cả sự phản đối những quốc gia đối đầu.
Thổ Nhĩ Kỳ không thể thờ ơ với cuộc khủng hoảng nổ ra xung quanh Qatar, tuy nhiên, Ankara cũng không cần thiết phải thực hiện bất kỳ động thái gay gắt và thiếu chín chắn.
Quyết định được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, theo tôi là bước làm bốc đồng có thể đặt Anar vào vị trí phức tạp và thu hẹp đáng kể phạm vi của các động thái chính trị”.
Ông Logoglu tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nên xây dựng chính sách Trung Đông với cách tiếp cận mà Ataturk (1881-1938, nhà lãnh đạo người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc, là người lập nên nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là Tổng thống đầu tiên của nước này), đã từng nêu lên, cụ thể là xây dựng quan hệ hữu nghị với thế giới Ả Rập nhưng không can thiệp vào các cuộc xung đột giữa các quốc gia Ả Rập.
"Sự phát triển tình hình phụ thuộc vào những bước mà bên xung đột sẽ thực hiện, cụ thể là Ả Rập Xê-út, Mỹ và Iran. Tôi không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này sẽ phát triển thành đối đầu xung đột.
Tuy nhiên, tôi có mối lo ngại rằng hậu quả những căng thẳng hiện nay có thể dẫn tới tình huống tương tự những gì đã xảy ra ở Iraq”, ông Logoglu kết luận.
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar bùng nổ, Tổng thống Erdogan gần như ngay lập tức lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Doha, nói rằng “chúng tôi không thấy các biện pháp trừng phạt nhằm vào Qatar là đúng đắn”.
“Cách thích hợp nhất để các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh giải quyết vấn đề nội bộ của họ là thông qua đàm phán, đối thoại. Xét về khía cạnh này, chúng tôi ngưỡng mộ phương pháp tiếp cận mang tính xây dựng và bình tĩnh của Qatar”, ông Erdogan nói thêm.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng thông qua hai thỏa thuận được ký kết từ năm 2015 và 2016 giữa Ankara và Doha về việc đưa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vào Qatar để đào tạo cho lực lượng cảnh sát của Doha.