Nguồn cơn đẩy Qatar vào thế bị bao vây

Qatar đang bị các nước láng giềng cô lập. Ảnh: AP.
Qatar đang bị các nước láng giềng cô lập. Ảnh: AP.
TP - Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) dẫn đầu chiến dịch cô lập nước láng giềng Qatar trong khi cả 3 quốc gia này đều theo Hồi giáo dòng Sunni, đều là đồng minh của Mỹ và cùng theo đường lối bảo thủ. Họ cáo buộc Qatar hỗ trợ nhiều nhóm khủng bố và giáo phái nhằm gây mất ổn định khu vực, nhưng bản chất câu chuyện phức tạp hơn nhiều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như càng khiến tình hình nghiêm trọng hơn khi đăng trên Twitter rằng, ông hy vọng sự cô lập Qatar có thể đẩy nhanh quá trình “chấm dứt nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa khủng bố”, dù Mỹ đang đặt một căn cứ không quân rất lớn ở Qatar để thực hiện các chiến dịch không kích chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Iran và Ả-rập Xê-út đối đầu

Mới đây, IS nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công khiến 12 người thiệt mạng ở Tehran. Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đổ lỗi cho Ả-rập Xê-út gây ra vụ việc này. Hai sự kiện này có vẻ không liên quan đến nhau. Nhưng chúng nên được nhìn nhận từ khía cạnh cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và sự ngờ vực giáo phái giữa những người theo Hồi giáo dòng Sunni và Shia. Tất cả các sự việc đều xoay quanh hai đối thủ của nhau là Iran và Ả-rập Xê-út.

Bề ngoài, để Ả-rập Xe-út và các nước bạn bè đặt một thành viên của họ trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vào thế bị bao vây thì thật kỳ quặc khi đối thủ thực sự của họ là Iran. Nhưng Ả-rập Xê-út, UAE, Jordan và Ai Cập “ghét” Qatar vì chính sách đối ngoại độc lập và linh hoạt của nước này. Trong khi là thành viên của GCC, Qatar vẫn có quan hệ thân thiết với Iran. Nên lúc này, Qatar không bị cô lập hoàn toàn. Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng quyết định đưa quân đến Qatar theo thỏa thuận song phương giữa hai nước, nhưng cũng là cách thể hiện sự ủng hộ.

Vì sao Qatar muốn hòa thuận với Iran? Một phần vì khí đốt. Hai quốc gia này chia sẻ một mỏ khí khổng lồ nằm dưới vịnh Ba Tư. Kuwait, nước đang nỗ lực hòa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, cùng chia sẻ nguồn tài nguyên khí đốt với Iran.

Ả-rập Xê-út và các đồng minh cũng khó chịu với việc Qatar có quan hệ với cả Israel, ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và cấp nơi trú ẩn cho lực lượng Hamas ở Palestine. Mạng lưới tin tức Al Jazeera của Qatar vươn khắp thế giới Ả-rập để truyền bá quan điểm của nước này. Đối với Ả-rập Xê-út và Ai Cập, và thậm chí cả Israel, tổ chức Anh em Hồi giáo có quan hệ với Hamas và cả al-Qaeda. Họ thấy có lý do để Iran duy trì các nhóm dòng Sunni này tồn tại để mặc cả, dù Iran theo dòng Shia.

Giới chức Ả-rập tin rằng, Iran đã cung cấp nơi ẩn náu cho các thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda sau sự kiện 11/9. Hãng tin Mỹ CNN dẫn lời một cựu thành viên al- Qaeda, người từng gần gũi với nhiều nhân vật cấp cao của tổ chức này trước khi xảy ra vụ 11/9, nói rằng, nhiều người Hồi giáo tin họ đang ở giữa cuộc xung đột thế hệ giữa hai tư tưởng Hồi giáo. Đó là bóng ma đã ám ảnh các quốc gia Ả-rập nhiều thập kỷ qua, sau vụ lật đổ lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran năm 1980. Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từng nói rằng “bàn tay của Iran đang khua dễ dàng trên khắp khu vực, từ vùng Vịnh đến Morocco”, CNN dẫn các bức điện tín ngoại giao của Mỹ vào thời điểm đó cho biết.

Mâu thuẫn này càng sâu sắc hơn vì cuộc nội chiến ở Syria. Sự trỗi dậy của IS và vai trò nổi bật của Iran ở Iraq và Syria làm mất cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Sĩ quan quân đội hàng đầu của Jordan, Tướng Mahmoud Freihat, gần đây nói rằng, Iran đang nỗ lực tạo ra một “vành đai trên bộ” giữa lãnh thổ của họ và Li-băng, trên tuyến đường đi qua Iraq và Syria, một phần do nỗi sợ IS. Mới tuần trước, lực lượng dân quân thân Iran chiếm được thị trấn Baaj do IS kiểm soát ở Iraq, còn nhóm đồng minh của họ ở khu vực Syria giáp với Iraq đã tấn công một căn cứ của Mỹ hỗ trợ những phiến quân Sunni ôn hòa.

Cuộc chiến tồi tệ và thảm họa nhân đạo ở Yemen là một ví dụ khác của cuộc tranh giành ảnh hưởng. Ở một đất nước mà bản sắc giáo phái không quan trọng bằng điều đúng sai, cộng đồng dân cư thiểu số theo dòng Shia, tức những người Houthis, đang dồn về một phần của đất nước, còn al-Qaeda tập trung ở vùng khác. Điều dễ đoán là Ả-rập Xê-út cáo buộc Iran vũ trang cho người Houthis, còn Iran bác bỏ cáo buộc này.

Mồi lửa

Câu hỏi đặt ra là vì sao những mâu thuẫn bùng phát vào lúc này? Trước tiên, theo một số báo cáo, Ả-rập Xê-út nổi giận vì một thỏa thuận trả tiền chuộc mà Qatar đã làm vào tháng 4 để đối lấy việc thả 30 công dân Qatar bị giữ ở Iraq. Chưa biết điều khoản thỏa thuận là gì, nhưng Iran và các nhóm thánh chiến ở Syria được cho là bên hưởng lợi.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói rằng, những vali chứa hàng trăm triệu đô la Mỹ được thu giữ từ một máy bay tư nhân của Qatar ở Baghdad. Ngoại trưởng Qatar khẳng định, chính phủ của ông “không qua mặt Iraq để thỏa thuận với các nhóm vũ trang”. Nhưng Ả-rập Xê-út không tin. Sau đó là vụ được cho là hãng tin Qatar bị tin tặc tấn công hôm 23/5 để đăng một tin giả trong đó dẫn lời Tiểu vương Qatar nói: “Thật không khôn ngoan khi thù địch với Iran”. Truyền thông Ả-rập Xê-út và UAE nhanh chóng đăng tải rộng rãi tin này. 

Nhưng một phần của câu trả lời có thể nằm ở Washington. Ả-rập Xê-út không thích cũng như không tin chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, đặc biệt sau khi họ vứt bỏ đồng minh Mubarak ở Ai Cập (năm 2011) và đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran (năm 2015). Nhiều người cho rằng, khi Mỹ đang tiến tới sự độc lập về năng lượng thì họ cũng ít quan tâm đến vùng Vịnh hơn.

Vì thế, thế hệ lãnh đạo trẻ hơn ở Ả-rập Xê-út có vẻ chuyển sang theo đuổi chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, bao gồm cả việc nhằm vào Qatar. Một số nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ả-rập Xê-út càng khuyến khích nước này quyết liệt hơn với Qatar và Iran.

Tại Riyadh, ông Trump nói trước cuộc gặp với lãnh đạo các nước Ả-rập rằng, Iran là nguồn gốc chính dẫn đến bất ổn ở khu vực, cung cấp cho các nhóm khủng bố “bến đỗ an toàn, nguồn tài chính và vị thế xã hội cần thiết để tuyển mộ”.

Ngược lại, lực lượng cách mạng Iran nói rằng, vụ tấn công vừa qua tại Tehran “được thực hiện ngay sau cuộc gặp của Tổng thống Mỹ với lãnh đạo các nước khu vực hỗ trợ những kẻ khủng bố”.

Người Việt ở Qatar thấy tình hình vẫn ổn định

Hôm qua, trả lời PV Tiền Phong qua email, anh Nguyễn Tiến Hiệp, thành viên Ban liên lạc Hội người Việt ở Qatar, cho biết, anh thấy tình hình hiện tại ở Qatar vẫn ổn định, không thấy bất cứ diễn biến bất ổn nào. Sáng qua đi siêu thị, anh thấy hàng hoá vẫn đầy đủ chứ không như một số báo đã đưa. Một số bạn bè anh cảm thấy lo lắng và một số siêu thị (trong ngày thứ 2) hết một số hàng do mọi người đổ dồn mua, nhưng nhiều siêu thị khác vẫn đầy hàng. Dĩ nhiên, một số mặt hàng nhập khẩu từ Ả-rập Xê-út và UAE bị hạn chế, anh Hiệp kể. Anh Hiệp cho biết, anh không thấy quân đội xuất hiện trên đường phố vào giờ làm việc. Có lẽ những người Ai Cập làm việc ở Qatar lo lắng nhiều hơn vì họ bị ảnh hưởng về lịch bay, kỳ nghỉ bị hoãn... Một số người nghe nói công ty họ có danh sách thay thế người khẩn cấp nếu cần, anh Hiệp kể. Anh Hiệp nói mình làm trong ngành dầu khí; việc có rời khỏi Qatar hay không tuỳ vào diễn biến tình hình.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG