Quân nước ngoài rầm rập tiến vào Qatar, Trung Đông trước biến cố lớn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan vừa phê chuẩn một dự luật cho phép triển khai hàng nghìn quân đến Qatar, trong bối cảnh quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông này đang lao đao vì cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây. 

Diễn biến mới nhất nói trên đang đẩy khu vực vốn ẩn chứa nhiều nguy cơ xung đột vào sự nguy hiểm. 

Ả-rập Xê-út và một loạt đồng minh của nước này hôm 5/6 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hậu thuẫn cho khủng bố. Diễn biến trên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây và đang đẩy khu vực vốn nhiều bất ổn vào tình trạng đối mặt với ngày một nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột.

Trong tình trạng phải đối mặt với vòng vây ngày càng siết chặt của các nước láng giềng, Qatar đã nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày hôm qua (8/6), Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định sẽ triển khai 5.000 quân đến Qatar với lý do thực hiện nhiệm vụ nhằm “đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực”, Ngoại trưởng Qatar cho biết.

Theo tuyên bố được phát đi từ văn phòng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã ký phê chuẩn dự luật cho phép triển khai 5.000 quân đến Qatar. Trước đó, ông Erdogan cũng đã lên tiếng chỉ trích gay gắt các nước Ả-rập về việc cô lập Qatar với cáo buộc nước này tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

“Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đến Qatar vì quyền lợi của toàn bộ khu vực”, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani hôm qua (8/6) đã cho các phóng viên biết như vậy.

Có tới 5.000 quân có thể được điều động đến Qatar theo dự luật mới, hãng tin Rudaw cho biết đồng thời nói thêm rằng lực lượng này đã sẵn sàng cho nhiệm vụ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chìa tay ra với Qatar sau khi một loạt quốc gia và tổ chức, trong đó có Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Yemen, Maldives, và một trong 3 chính quyền đối lập ở Libya, cắt đứt quan hệ với Doha từ hồi đầu tuần vì lý do cáo buộc Qatar tài trợ cho các nhóm khủng bố, từ nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đến các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn.

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nói trên bùng nổ, Tổng thống Erdogan gần như ngay lập tức lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Doha, nói rằng “chúng tôi không thấy các biện pháp trừng phạt nhằm vào Qatar là đúng đắn”. “Cách thích hợp nhất để các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh giải quyết vấn đề nội bộ của họ là thông qua đàm phán, đối thoại. Xét về khía cạnh này, chúng tôi ngưỡng mộ phương pháp tiếp cận mang tính xây dựng và bình tĩnh của Qatar”, ông Erdogan nói thêm.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng thông qua hai thỏa thuận được ký kết từ năm 2015 và 2016 giữa Ankara và Doha về việc đưa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ vào Qatar để đào tạo cho lực lượng cảnh sát của Doha.

Qatar tuyên bố không đầu hàng trước thế trận bao vây của các nước láng giềng

Trong một diễn biến khác, Qatar hôm qua thẳng thừng tuyên bố sẽ “không đầu hàng” và bác bỏ bất kỳ hành động can thiệp nào vào chính sách đối ngoại của nước này. Qatar cũng thể hiện lập trường đầy thách thức trước các nước láng giềng vùng Vịnh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã miêu tả sự thay đổi trong chính sách đối với Qatar của Ả-rập Xê-út và các nước đồng minh của nước này là không thể chấp nhận được. "Không ai có quyền can thiệp vào chính sách đối ngoại của chúng tôi”, ông Mohammed nhấn mạnh.

Ông Mohammed cũng bác bỏ “khả năng dùng giải pháp quân sự như một lựa chọn” để giải quyết cuộc khủng hoảng. Vị quan chức Qatar tuyên bố đầy thách thức rằng, nước ông có thể sống sót “mãi mãi” bất chấp những biện pháp trừng phạt mà các nước láng giềng đang tung ra nhằm vào Qatar.

"Chúng tôi không sẵn sàng đầu hàng và sẽ không bao giờ đầu hàng. Không ai có thể bẻ gãy được chúng tôi”, Ngoại trưởng Qatar tuyên bố thêm.

Theo Theo Vnmedia
MỚI - NÓNG