Hạt Mắc ca và cơ hội của nông dân "2 Tây"

Cây mắc ca trồng thử nghiệm
Cây mắc ca trồng thử nghiệm
TP - Nhiều chủ trang trại, nông dân lẫn đại gia đang “nóng” lên với cơ hội làm giàu từ mắc-ca, loài cây cho hạt béo đang dọa “cháy hàng” khắp các vườm ươm. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề sau mức lợi nhuận hấp dẫn từ mắc-ca mà các nhà đầu tư cần hiểu rõ, trước khi vét tiền thuê đất, mua cây .

Quý, chậm, thiếu

Từ hơn 1 thế kỷ trước, mắc-ca (macadamia) đã được đưa từ vùng rừng nhiệt đới phía Đông Bắc nước Úc về trồng trong vườn để lấy hạt béo làm thức ăn, ép dầu. Sau đó, mắc-ca được thuần hóa thành loài cây thương mại sinh lợi đáng kể ở Hawaii, Trung Mỹ, Brazil, Nam Phi.

Hạt mắc ca được mệnh danh là hoàng hậu của các loại hạt khô. Quả già, chín , tách vỏ sẽ lộ nhân tròn, trắng mịn, béo giòn, ngọt mát, có thể ăn sống hoặc chế biến mỹ phẩm và nhiều loại thực phẩm thơm ngon, năng lượng dồi dào mà lại không có cholesterol nên rất tốt cho sức khỏe, nhất là đối với những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, tim mạch. Cây mắc ca thọ hàng trăm năm, càng cao tuổi sản lượng hạt càng lớn.

Được công nhận giá trị cao, nhưng diện tích mắc ca trên thế giới vẫn phát triển rất chậm, không đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng, vì mắc ca khá kén thổ nhưỡng và khí hậu.

Sau 20 năm về Việt Nam, mắc ca mới được khoanh vùng quy hoạch phù hợp trồng tại một số huyện thành ở Tây Bắc, Tây Nguyên, nơi nhiệt độ mát lạnh, bình quân dao động trong khoảng từ 13-28 độ C.

Hiện trên cả nước, mới có khoảng 3000 hecta mắc ca. Trong số đó, hơn trăm hecta mắc ca trồng rải rác trên vùng cao Tây Bắc, ở Điện Biên, Sơn La, Ba Vì, phát triển chậm hơn phần lớn diện tích trồng trên Tây Nguyên, ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk.

Hầu hết số hạt thu được các chủ vườn vẫn để nhân giống, nên 2 nhà máy chế biến mắc ca tại Thái Bình, Đồng Nai hơn mười năm qua vẫn nhập khẩu hạt từ Úc và châu Phi để chế biến xuất khẩu, chưa bán ra thị trường nội địa.

Làm giàu với mắc-ca

Hàng trăm nghìn hecta cà phê già cỗi đang đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ để tái canh, hàng vạn ha cao su kém hiệu quả kinh tế hoàn toàn có thể là cơ hội để xem xét thay thế bằng mắc-ca.

Từng là Chủ nhiệm dự án CARD 037/05/VIE về cây mắc ca thuộc chương trình Hợp tác và Phát triển nông thôn Việt-Úc, giáo sư Hoàng Hòe đã có nhiều chuyến đi học hỏi kinh nghiệm thâm canh mắc ca ở Úc, Trung Quốc, Thái Lan, Guatemala, Hoa Kỳ, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và hội thảo khoa học về loài cây này cho cán bộ các sở ngành và những người quan tâm.

Khi tôi đến trụ sở công ty cổ phần Vinamacca (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) tìm hiểu về cây giống mắc-ca, may mắn gặp được ông vừa từ Hà Nội bay vào Tây Nguyên thăm 2 cậu con trai say mê mắc-ca chẳng kém gì bố, đang là đồng chủ nhân của doanh nghiệp này.

Giáo sư Hòe cho biết: Tất cả các chủng giống mắc-ca hàng đầu thế giới đã được ông đưa về đây trồng thử nghiệm, hiện đã chọn được vài giống ưu điểm vượt trội, đặc biệt thích hợp với thổ nhưỡng khí hậu Tây Nguyên khiến các chuyên gia mắc-ca từ Úc sang đây phải trầm trồ kinh ngạc.

Cử nhân kinh tế Hoàng Tùng- giám đốc Vinamacca, và kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Phúc-phó giám đốc Vinamacca, 2 con trai ông trong những năm du học tại Úc từng tìm hiểu sâu về mắc-ca qua những buổi làm thuê cuối tuần cho ông chủ có mức thu nhập ngoài lương 1 triệu đô Úc từ trang trại mắc-ca rộng 100 hecta, mà cách quản lý điều hành rất gọn nhẹ.

Tùng cho biết anh đang gọi vốn từ các đối tác Úc để xây dựng nhà máy chế biến mắc-ca ngay giữa vùng nguyên liệu Tây Nguyên, còn Phúc chăm lo mở rộng tổng diện tích vườn cây tới nay đã hơn 50 ha.

Trưa ngày 24/7, tôi đến vườn mắc-ca thực nghiệm 8,8 ha tại huyện Ma Đrắk, do Vinamacca thuê lại đất trồng cà phê kém hiệu quả phải chặt bỏ của nông trường cà phê 715B, chứng kiến nhiều cây trong những hàng mắc-ca xanh non chưa đầy 3 năm tuổi đã chi chít những chuỗi trái xanh ngắt nặng trĩu. Phúc cho biết chỉ mùa thu bói đầu tiên này, với giá hạt thế giới nhiện tại 3,5$/kg, anh đã thu đủ vốn đầu tư trồng và chăm sóc vườn suốt 3 năm qua.

Nhìn thấy triển vọng to lớn từ mắc-ca, mới đây LienVietPostBank đã xây dựng đề án cho nông dân vay 10 nghìn tỉ đồng để trồng mắc ca trên Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Đức Hưởng- người chủ trì đề án cho rằng đây là cơ hội để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa cây mắc ca vào thay thế cà phê, với so sánh: Chi phí đầu tư trồng mắc ca thấp hơn cà phê, mà vòng đời cà phê cho lãi bình quân khoảng 75 - 86 triệu đồng/ha mỗi năm trong 20 năm, trong khi mắc ca có thể cho lãi từ 510 - 520 triệu đồng/ha/năm trong hơn 60 năm.

Nhu cầu về nhân mắc ca trên thị trường thế giới còn rất lớn với khả năng chế biến và sử dụng rất đa dạng, và đây là mặt hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay.

Thận trọng, kẻo mất vốn

Nhiều năm trước tôi đã được tiến sĩ Lê Ngọc Báu- Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đưa đến xem vườn mắc-ca trồng thử nghiệm của Viện với hàng chục chủng giống khác nhau, có cây sai quả, cũng có những cây chả có trái nào. Tới nay, thực tế vẫn vậy.

Ts Báu cho biết sau 12 năm thử nghiệm, Viện chỉ chọn được 2 giống mắc ca phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, ngay cả 2 giống này cũng năm được năm mất, sản lượng bấp bênh, năm thời tiết lạnh cây thường dễ đậu trái hơn. Mắc-ca giống Viện ươm và ghép chồi gần 2 năm mới bán ra, giá 50 nghìn đồng/ cây. Theo ông, không phải vùng nào trên Tây Nguyên cũng phù hợp với cây mắc-ca nên người trồng cần rất thận trọng trong khâu chọn địa điểm đầu tư, và nắm chắc kỹ thuật.

Tuy nhiên nhiều nơi ở Đắk Lắk và Lâm Đồng có các vườn ươm rao bán giống mắc-ca chỉ 15-18 nghìn đồng/ cây. Phần lớn số cây này được các chủ vườn hái trái xanh trên cành bán cho các vườn ươm gieo thẳng vô bầu. Trong khi lẽ ra phải đợi quả chín rụng mới lượm. Các chủ vườn nếu mua cây giống rẻ trôi nổi, rất có thể sẽ mất vốn sau rất nhiều năm chờ không thấy mắc ca đậu trái.

Công ty Vinamacca đang có khoảng 5 vạn cây giống cho những đơn đặt hàng từ trước, đã chiết ghép đủ 2 năm tuổi với giá 80 nghìn đồng/cây.

Theo dự toán của giáo sư Hoàng Hòe, nếu trồng macca với mật độ 7mx4m, mỗi hecta cần 357 cây giống, dự kiến thu hoạch trong 10 năm đầu 125 triệu/ ha/ năm, từ năm thứ 10 trở đi có thể lãi trên 200 triệu đồng/ ha/năm.

MỚI - NÓNG