Hành trình hóa giải: Không quên nhưng đến lúc khép lại

Cựu binh Việt Nam và những người lính Mỹ xưa gặp nhau tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Thái Huyền.
Cựu binh Việt Nam và những người lính Mỹ xưa gặp nhau tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Thái Huyền.
TP - Hơn một tháng theo đoàn cựu binh Mỹ đặt chân lên những mảnh đất từng bị bom đạn cày nát, gặp những con người đi qua cuộc chiến bằng nỗi đau và mất mát, đạo diễn Ðặng Thái Huyền chia sẻ về bộ phim tài liệu “Hành trình hóa giải” đang giai đoạn hậu kỳ.

Sau nhiều năm ghi dấu ấn với dòng phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh, lâu lắm rồi mới thấy chị quay lại với dự án phim tài liệu: Phim “Hành trình hóa giải”. Hẳn phải có lý do rất đặc biệt?

Đúng vậy. Dự án rất đặc biệt không chỉ với cá nhân tôi mà với cả ê kíp Điện ảnh Quân đội: Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện bộ phim phản ánh góc nhìn, tâm sự, chia sẻ của những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng là từ phía “bên kia”- các cựu binh Mỹ vì hòa bình (VFP). Họ trở lại Việt Nam, thực hiện một tua Bắc-Nam, dừng chân ở những nơi từng chiến đấu và thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Điểm đến quan trọng nhất của VFP là dự “Lễ tưởng niệm 50 năm sau thảm sát Sơn Mỹ”.

Ê kíp ghi hình ngay từ giây phút họ bước xuống sân bay, thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn. Chúng tôi thấy thật may mắn, bởi không biết đến bao giờ mới lại có cơ hội gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử từ phía bên kia như vậy. Họ đều ở độ tuổi thất thập, phần lớn sức khoẻ rất yếu. Nhiều cựu binh nói có lẽ đây là chuyến trở lại Việt Nam cuối cùng, bởi trời gọi lúc nào không hay.

Với hơn hai mươi nhân chứng lịch sử, chị chọn lựa nhân vật thế nào cho phim tài liệu này?

Tôi tiếc thời lượng phim chỉ chưa đầy một tiếng, nên không thể ôm đồm quá nhiều câu chuyện, nhân vật. Trò chuyện với họ, tôi nhận ra mỗi người đều xứng đáng có một bộ phim riêng với số phận đặc biệt và hấp dẫn. Tôi đặc biệt ấn tượng với ông Chuck Searcy, Giám đốc dự án Renew-người nguyện dành cả phần đời còn lại để thực hiện các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam, đặc biệt Quảng Trị là nơi chịu nhiều di chứng chiến tranh. Hoặc bà Ann Wright-cựu Đại tá quân đội Mỹ từng là nhà ngoại giao tại Somalia, Uzbekistan, Syria…Năm 2003, bà từ chức và xin ra khỏi quân đội để phản đối việc Mỹ tham chiến tại Trung Đông. Bà có rất nhiều hoạt động thiện nguyện ủng hộ Việt Nam.

Họ cho tôi thấy khát vọng và mong muốn được bù đắp, được hoá giải và chuộc lại lỗi lầm từng gây ra ở Việt Nam. Chính tâm nguyện đó tạo ra rất nhiều khoảnh khắc đầy cảm xúc. Còn nhớ khi tới nghĩa trang Trường Sơn, họ bày tỏ mong muốn được cùng các cựu binh Việt Nam thắp hương cho các liệt sỹ. Và họ rơi nước mắt khi biết rất nhiều chiến sĩ ta ngã xuống khi tuổi mới mười tám, đôi mươi bằng đúng lứa tuổi khi họ sang tham chiến tại Việt Nam. Hoặc khi gặp gỡ các nạn nhân sống sót sau vụ Mỹ Lai, họ luôn nói “Xin lỗi, xin lỗi vì những gì người Mỹ đã gây ra cho đất nước bạn. Sự thật ở đây tàn nhẫn, thảm khốc hơn rất nhiều so với những điều mà chúng tôi được biết”.

Hành trình hóa giải: Không quên nhưng đến lúc khép lại ảnh 1 Gặp nhân vật lịch sử-phóng viên chiến trường Ronald Haeberle, tác giả của những bức ảnh thảm sát Sơn Mỹ. Ảnh: Thái Huyền.

Một đề tài thật sự hấp dẫn và hiếm cho các nhà làm phim tài liệu, nhưng hẳn không dễ dàng để các nhân vật chia sẻ vì ít nhiều họ sẽ giữ khoảng cách với đoàn làm phim của Quân đội?

Suy cho cùng thì bánh xe thời gian không thể ngừng quay và tương lai mới là điều mọi người cần hướng tới. Và câu trả lời cho tương lai lại khởi nguồn từ nhận thức và hành động cuả mỗi chúng ta ở hiện tại. Tôi nghĩ, chúng ta không được phép quên nhưng đã tới lúc cần khép lại quá khứ. Ðó cũng là thông điệp mà bộ phim Hành trình hoá giải muốn hướng đến.

Lúc đầu đúng là như vậy. Tôi đã lường được điều đó khi nhận đề tài. Cả ê kíp ngồi họp trước khi bắt tay làm phim. Chúng tôi phải bàn bạc cả về thái độ, cách tiếp xúc, trao đổi với nhân vật, sao cho họ thấy sự thân thiện, hiếu khách và chuyên nghiệp. Chúng tôi mua khá nhiều món quà nho nhỏ nhưng đậm chất Hà Nội như bánh khảo, hạt sen, bánh cốm. Những lúc thấy họ mệt mỏi sau chặng đường dài, thời tiết nắng nóng chúng tôi phân công nhau đưa tặng. Chỉ là sự quan tâm đơn giản thôi nhưng cũng khiến họ cảm động.

Trong số các đoàn thông tấn báo chí đi cùng VFP đợt này, thật vui vì họ dành nhiều tình cảm cho đoàn của Điện ảnh Quân đội. Thậm chí họ còn bổ sung vào hành trình tua những điểm đến do chúng tôi đề xuất và đứng ra tổ chức-cuộc gặp các cựu chiến binh Việt Nam tại nghĩa trang Trường Sơn, đi thăm gia đình các nạn nhân sống sót sau thảm sát Sơn Mỹ….Có thể nói họ rất hợp tác và nhiệt thành. Chúng tôi thật sự xúc động về điều đó.

Ðề tài nỗi đau chiến tranh, hậu chiến và cụ thể hơn như cuộc thảm sát Sơn Mỹ được đào xới trong rất nhiều phim tài liệu, điện ảnh trước đó. Khán giả có thể trông đợi điều gì khác biệt ở “Hành trình hoá giải”?

Khi bắt tay vào bất kỳ dự án nào, tôi luôn quan niệm thế này: Trước khi muốn khán giả thấy sự khác biệt, trước tiên phải tạo sự khác biệt trong chính tư duy và nhận thức của mình khi cảm về đề tài. Qua chuyến đi này tôi hiểu thêm sâu sắc một điều: Không thể xoay ngược lại bánh xe của lịch sử, điều quan trọng là từ nỗi đau trong quá khứ chúng ta sẽ rút ra điều gì cho thực tại khi mà các cuộc chiến phi nghĩa vẫn diễn ra khắp thế giới. Nhiều cựu binh Mỹ bước ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam dùng cả phần đời còn lại lên tiếng phản đối những cuộc chiến đó.

Hành trình hóa giải: Không quên nhưng đến lúc khép lại ảnh 2 Gặp nhân chứng Phạm Thành Công- một trong những người sống sót sau thảm sát Sơn Mỹ. Ảnh: Thái Huyền.

Làm phim về chiến tranh từ góc nhìn của phía bên kia, chị có sợ khán giả nghĩ chị “bênh” những cựu binh Mỹ?

Tôi không làm phim từ góc nhìn của “bên kia”, tôi đứng ở góc nhìn của người quan sát, lắng nghe, xâu chuỗi tất cả chia sẻ của họ, cố gắng phản ánh khách quan nhất. Đó là lý do phim của tôi sẽ không có lời bình. Tự những lời chia sẻ của họ đủ sức nặng giải thích, giãi bày và nói lên tất cả.

Sau cuộc gặp gỡ những cựu binh này, nhận thức về chiến tranh và cách làm phim chiến tranh của chị có thay đổi gì không?

Như đã nói, lâu lắm tôi mới rời khỏi địa hạt phim truyện để làm phim tài liệu. Ngay khi nhận dự án này tôi đã biết là mình sẽ trưởng thành hơn rất nhiều trong nghề nghiệp, trong cách nhìn nhận vấn đề, đặc biệt là đối với đề tài chiến tranh cách mạng mà tôi sẽ theo đuổi trong suốt sự nghiệp làm phim. Tôi nhận ra một thực tế là khi cuộc chiến đi qua, dù bên thắng hay thua thì hậu quả của cuộc chiến để lại là tận cùng đau thương. Và làm phim đề tài chiến tranh không phải để tái hiện, mô phỏng và kể một câu chuyện về cuộc chiến đó, quan trọng hơn là qua đó chúng ta có thể rút ra những bài học ở thực tại-góp phần ngăn chặn để không có một chiến tranh Việt Nam thứ hai trên thế giới, và vun đắp thêm khát vọng hoà bình.

Bao năm nay cứ dịp 30/4 người ta lại nói chuyện hoà giải dân tộc, chuyện khép lại quá khứ hoá giải hận thù giữa các bên. Chị nghĩ rằng liệu có thể đạt được điều đó không?

Tại sao lại không chứ? Chúng tôi làm phim cũng là muốn góp tiếng nói chung trong việc bày tỏ quan điểm, mong muốn và khát vọng về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hoà giải và hoà hợp dân tộc. Suy cho cùng thì bánh xe thời gian không thể ngừng quay và tương lai mới là điều mọi người cần hướng tới. Và câu trả lời cho tương lai lại khởi nguồn từ nhận thức và hành động cuả mỗi chúng ta ở hiện tại. Tôi nghĩ, chúng ta không được phép quên nhưng đã tới lúc cần khép lại quá khứ. Đó cũng là thông điệp mà bộ phim Hành trình hoá giải muốn hướng đến.

Cảm ơn chị!

“Hành trình hóa giải ghi hình trong khoảng hơn một tháng, trước đó chúng tôi mất cả năm liên hệ, thư từ qua lại với nhóm cựu binh này để thuyết phục họ nhận lời xuất hiện và trả lời phỏng vấn trong phim. Chúng tôi đi từ Bắc vào Nam, trọng tâm là chặng dừng lại ở Mỹ Lai (Quảng Ngãi), may mắn được nghe tiếng vĩ cầm Mỹ Lai của cựu binh Mike Boehm trong ngôi nhà đổ nát cạnh dòng kênh từng nhuộm đỏ máu dân thường năm nào. Chúng tôi cũng gặp Ronald Haeberle, chủ nhân những bức ảnh tố cáo tội ác ở Mỹ Lai, chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử của các cựu binh Mỹ với nhân chứng sống sót sau thảm sát-bác Phạm Thành Công”. 

Ðạo diễn Ðặng Thái Huyền

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.