Hàng Việt áp đảo thị trường Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mẫu mã đẹp, giá cả hợp túi tiền, đặc biệt chất lượng không thua kém hàng ngoại… chính là những “điểm cộng” của hàng Việt hấp dẫn người tiêu dùng trong dịp Tết năm nay.
Hàng Việt áp đảo thị trường Tết ảnh 1
Sản phẩm trang trí Tết “thuần Việt” được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa (ảnh tại phố kinh doanh đồ trang trí Hải Thượng Lãn Ông, quận 5). Ảnh: U.P

Được lòng “Thượng đế”

Cứ mỗi độ Tết đến, hai bên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) như thay áo mới bởi những sản phẩm trang trí rợp sắc đỏ vàng. Dạo qua nhiều cửa hàng trên tuyến đường này, đồ trang trí Tết thuần Việt làm từ mây, tre, nứa, giấy, mút xốp… chiếm phần lớn các sản phẩm được bày bán. Những đòn bánh tét tròn lẳn được tạo hình từ xốp, phủ giấy xanh rì bên ngoài như sản phẩm thật; hay câu đối chúc Tết viết bằng chữ thư pháp trên tấm mẹt tre… được cửa hàng trưng ngay mặt tiền tạo ấn tượng với khách hàng. Giá cả khá mềm, từ 5.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.

Lựa chọn một sản phẩm treo tường có chữ “Tết” đỏ rực làm bằng xốp, xung quanh trang trí phụ kiện là hoa mai, hoa đào làm từ giấy, anh Văn Chương (24 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đến khu vực quận 5 để mua sắm đồ trang trí mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tôi thích các sản phẩm thủ công, mộc mạc được sản xuất trong nước hơn là hàng nước ngoài vì độ an toàn, cũng như sự mới lạ. Đặc biệt, các sản phẩm này thể hiện được nét đẹp Tết cổ truyền của người Việt Nam”.

Tại quận 1, khá nhiều cửa hàng bánh kẹo nổi tiếng bởi luôn có các sản phẩm ngoại “độc, lạ ” và tất nhiên, giá cả cũng “đắt xắt ra miếng”. Khách mua đa số là dân có điều kiện về kinh tế, và phải đặt trước cả tháng. Theo ông Tiến, đại diện cửa hàng Mỹ Duyên (Hai Bà Trưng, quận 1): “Năm nay chúng tôi đã chào hàng ngoại và báo giá sản phẩm đến những khách VIP này, nhưng hầu như đơn hàng chưa tới 10% so với mọi năm. Thay vào đó, khách lại chọn bánh kẹo trong nước nhiều hơn”. Ngay cả tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại… hàng Việt cũng chiếm từ 70 - 80%.

Hàng Việt áp đảo thị trường Tết ảnh 2
Đặc sản vùng miền đắt khách dịp Tết. Ảnh: U.P

Giới thiệu nhiều đặc sản Tết như khô heo, khô bò gác bếp, miến tỏi đen, măng khô, hồng giòn Fuyu… là những đặc sản của Sơn La đến người tiêu dùng, bà Bùi Phương Thanh, nhà sáng lập và điều hành HTX nông sản bản địa Nọong Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) bộc bạch: “Đây đều là những sản phẩm được trồng trọt, sản xuất, chế biến theo phương thức thủ công của đồng bào Thái, vừa tốt cho sức khỏe người dùng, vừa là món ngon lạ miệng để làm quà biếu tặng dịp Tết. Hiện, các mặt hàng này đang được khách đặt hàng trực tuyến khá nhiều, khách hàng tại TPHCM có thể tìm mua tại Phiên chợ xanh (quận 3) vào mỗi cuối tuần”.

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp nhận định, sau gần 15 năm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, hàng hóa nội địa đang dần được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và tin tưởng sử dụng. Ngoài giá cả hợp lý, chất lượng hàng Việt không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, nếu sản phẩm Việt xảy ra sự cố liên quan an toàn thực phẩm, hàng lỗi… thì vấn đề bồi thường cũng dễ dàng hơn.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống trong quá trình phát triển thương hiệu Việt. Một số sản phẩm không thể cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại ngay trên sân nhà dù vẫn đảm bảo chất lượng. Ưu điểm lớn nhất của hàng ngoại là người tiêu dùng thường dựa vào “niềm tin” thương hiệu khi lựa chọn hàng hóa. Hàng nhập khẩu đôi khi không đảm bảo chất lượng nhưng có thương hiệu xuất xứ từ các quốc gia nổi tiếng về chất lượng như Mỹ, Ý, Hàn Quốc… cũng đủ chiếm được lòng tin khách hàng. Hơn nữa, hàng Việt còn bị làm giả tràn lan ảnh hưởng đến thương hiệu uy tín trên thị trường.

Cơ hội cho DN Việt

Dịp Tết Nguyên đán 2024, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên tung ra thị trường nhiều sản phẩm cho sức khỏe như viên hà thủ ô, mật ong rừng sữa ong chúa, mật ong nghệ viên đen… Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng giám đốc Công ty Xuân Nguyên kỳ vọng, đây sẽ là những quà tặng thiết thực, ý nghĩa hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình, người thân nhân dịp Tết này. “Chúng tôi có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); mới đây, 6 sản phẩm của công ty được TPHCM công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp năm 2023. Đó là lý do chúng tôi muốn đẩy mạnh các sản phẩm chất lượng này đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết 2024. Công ty cũng tối ưu hóa sản xuất để giảm giá thành khi bán ra” - ông Vũ khẳng định.

Lý giải hàng Việt ngày càng được lòng “thượng đế”, bà Bùi Phương Thanh cho rằng, hàng Việt đã cải tiến về mẫu mã bao bì, sản phẩm sang trọng, bắt mắt hơn; chất lượng không thua kém hàng ngoại. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp đã quan tâm hơn tới tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đặc biệt hơn, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi khi ưa chuộng sản phẩm quê, đặc sản vùng miền của quê hương hơn là hàng ngoại.

Theo khảo sát mới đây của Công ty Kantar Việt Nam – DN chuyên nghiên cứu thị trường, rất nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí. Theo Kantar, có đến hơn 40% số ngành hàng tiêu dùng đang bị giảm sức mua. Xu hướng mua quà tặng, trong đó có quà tặng dịp Tết sắp tới là tính đến tính ứng dụng cao và sự đa dạng trong một món quà, thay vì ưu tiên chọn theo thương hiệu, hình thức như trước.

Chiều 12/1, chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, thời gian qua, kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng và phải tính toán kỹ hơn khi mua sắm. Dịp Tết này, người dân thường mua sắm các mặt hàng thiết yếu, trong đó chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là cơ hội của các doanh nghiệp (DN) Việt. Hàng Việt áp đảo thị trường dịp Tết này còn có lý do từ các chương trình kích cầu của Chính phủ như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), khuyến mãi tập trung; TPHCM có các chương trình giảm giá tới 100%... đã góp phần giảm giá hàng hóa. “Mùa mua sắm cuối năm, các DN cần làm sao đưa hàng hóa ra thị trường có xuất xứ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, tham gia khuyến mãi sâu để giữ vững thị trường, giữ được thị phần, đồng thời chia sẻ với khách hàng. DN có thể cắt bớt những chi phí ảnh hưởng đến giá thành, đảm bảo giá cạnh tranh nhất, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng…” - ông Dũng khuyến cáo.

MỚI - NÓNG