Hàng trăm doanh nghiệp điện tử hàng đầu đến Việt Nam tìm đối tác

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 2/11, Triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE) 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp là các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, trưng bày hàng chục nghìn sản phẩm điện, điện tử với công nghệ mới nhất và thịnh hành nhất hiện nay.

Công ty Vinexad cho biết, sẽ phối hợp với Công ty Chaoyu Expo đồng tổ chức sự kiện có quy mô lớn tại Việt Nam, diễn ra từ 2-4/11 tới, tập trung vào các lĩnh vực điện tử, điện gia dụng, thiết bị thông minh; máy tính, điện thoại, phụ kiện và thiết bị game; linh kiện điện tử và sản phẩm khác nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường tiêu dùng điện tử chất lượng cao tại Việt Nam.

Theo nhà tổ chức, triển lãm là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp giao lưu và mở rộng thị trường, đồng thời cũng là kênh quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nghề cũng như tăng cường trao đổi và hợp tác.

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và mức sống của người dân đang dần được cải thiện, Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng của nhiều sản phẩm điện tử.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu điện thoại, máy vi tính, các sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ thế giới trong năm 2022 đạt 105,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2021. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 33 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam từ thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, hoạt động ngoại thương của thế giới; trong đó, có Việt Nam và Trung Quốc, nhất là các mặt hàng điện tử và thiết bị thông minh cũng chịu tác động không nhỏ.

Thống kê cho thấy 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, các sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ thế giới đạt hơn 150 tỷ USD, giảm 10,7% so với năm 2022. Kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 43 tỷ USD, giảm 5,4%; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 13,6%, ở mức 22,1 tỷ USD.

Cần động lực lớn để chuyển dịch sâu hơn trong chuỗi giá trị

Về cơ hội cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, trao đổi với Tiền Phong, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, sau nhiều năm, đến nay bức tranh công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đang có sự phát triển rất đặc thù và lệch. Xuất khẩu điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất (73%), tiếp sau là mạch điện tử và tích hợp chủ yếu cung cấp cho máy tính và thiết bị ngoại vi. Đây là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ lực của ngành điện tử Việt Nam hiện nay.

Theo đại diện VASI, những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn, nhân lực hạn chế. Số liệu thống kê cho thấy, khu vực doanh nghiệp có vốn dưới 1 triệu USD – 5 triệu USD chiếm 21-26%.

Hàng trăm doanh nghiệp điện tử hàng đầu đến Việt Nam tìm đối tác ảnh 1

Sau nhiều năm, đến cuối năm 2022, mới có trên 200 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp lớp 1, 2, 3 cho Samsung, trong có 52 doanh nghiệp lớp 1. Tương tự, với các tập đoàn lớn khác như LG Việt Nam, Canon Việt Nam, cũng có chuỗi cung ứng là các doanh nghiệp Việt Nam khá đông đảo. Canon hiện đã có 176 doanh nghiệp địa phương là nhà cung cấp cho họ. Dù con số các doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi cung ứng ngày càng tăng nhưng

Song nhìn nhận một cách thẳng thắn, đại diện VASI cho rằng, công nghiệp hỗ trợ điện tử đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Chính sách không theo kịp sự thay đổi. Cùng với đó, việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường mới đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc. Về phía doanh nghiệp, phải phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Để doanh nghiệp điện tử Việt phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong chuỗi cung ứng, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam cho rằng, cơ hội và thách thức với doanh nghiệp điện tử luôn đan xen. Vì thế doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh để nắm bắt cơ hội.

Theo ông Tài, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đa số nhỏ và vừa nên sản xuất manh mún, công nghệ chưa cao, nên năng suất hạn chế, chất lượng chưa đạt yêu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng chưa khép kín, chưa đồng bộ hoá được, chưa kết nối được các nhà máy với nhau nên vẫn rời rạc.

“Việt Nam đang trong giai đoạn tốt nên doanh nghiệp cần kịp thời thay đổi để nắm lấy vận mệnh đang có, đẩy mạnh quá trình số hoá. Cùng đó, Chính phủ cần kịp thời điều chỉnh chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp Việt lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn”, ông Tài nói.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.