Theo người dân, bắt đầu từ tối 29/11, nước lũ lên nhanh, nhiều gia đình không kịp sơ tán đồ đạc, vật dụng nên bị hư hỏng. “Khoảng 2 giờ sáng 30/11, nước lớn bất ngờ tràn vào khu dân cư. Nước ngập lên trên đầu gối, có đoạn ngập sâu gần cả mét. Đồ đạc trong nhà không kịp di chuyển nên giờ ngập hết trong nước lũ, hư hỏng hết”, anh Trần Tuấn Nguyên (ở tổ 9, KV5, phường Nhơn Phú) nói.
Tại huyện Tuy Phước, nhiều nhà dân bị ngập nước sâu từ 0,4-1,2m. Hệ thống giao thông nhiều nơi bị chia cắt. Chính quyền địa phương phải sử dụng ghe, xuồng tiếp cận các khu vực bị cô lập để kiểm tra, triển khai phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Tại huyện miền núi An Lão, nước lũ dâng cao đã khiến hàng trăm ngôi nhà của người chìm ngập trong nước lũ; một số tuyến đường giao thông cũng bị ngập sâu. Trong ngày 30/11, hơn 66.000 học sinh của tỉnh Bình Định không thể đến trường do lũ lụt.
Mưa lớn những ngày qua cũng gây sạt lở nhiều tuyến đường miền núi của tỉnh Quảng Nam. Tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My xác nhận, lúc 16h ngày 30/11 xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại tại làng Măng Tông, thôn 5 xã Trà Cang. Một quả đồi lớn bất ngờ đổ sập xuống đường liên thôn. Đây là con đường người dân địa phương và học sinh thường xuyên qua lại, rất may thời điểm xảy ra vụ việc không có người.