Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh so với thời điểm trước Tết, kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,5-1,8% một năm, các kỳ hạn 1-2 tuần còn khoảng 2-2,5%.

Tiền gửi sau Tết dồi dào, vốn trên liên ngân hàng cũng dư thừa trong khi tín dụng khó tăng là những nguyên nhân nhiều đơn vị giảm lãi suất huy động, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn.

Lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ ở 7% một năm nhưng mức trần này hiện đã không còn ý nghĩa.

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm ảnh 1

Nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động sau Tết. Ảnh minh họa

Từ cuối tuần trước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những ông lớn có vai trò dẫn dắt thị trường, đã giảm 0,25 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 3-11 tháng về 6,5% một năm. Riêng các kỳ hạn dưới 3 tháng, lãi suất niêm yết của BIDV cũng đang thấp nhất thị trường.

Sau đó, hàng loạt các ngân hàng cổ phần khác cũng hạ từ 0,1-0,3 điểm phần trăm, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn một tháng ở Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cao nhất chỉ 6,2-6,5% một năm.

Lý giải với VnExpress.net về đợt hạ lãi suất huy động này, một đại diện của BIDV cho biết: "Thường ra ngoài Tết, dư nợ cho vay không tăng nhanh được. Hơn nữa, vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng đang dư nhiều, cung rất lớn mà cầu thấp. Tận dụng hai lý do trên chúng tôi mới cân đối để giảm lãi suất, tiết kiệm chi phí đầu vào và cũng để có cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay".

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh so với thời điểm trước Tết, kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,5-1,8% một năm, các kỳ hạn 1-2 tuần còn khoảng 2-2,5%. Ngay đến lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ còn chưa đến 5%.

Ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối của Ngân hàng Quốc tế (VIB) đánh giá, đây là mức lãi suất dễ hiểu và ngang với thời điểm cuối năm 2013.

"Đầu năm số liệu cho thấy tín dụng các ngân hàng tăng trưởng âm, cộng thêm nhiều khoản tiền trước đây mua trái phiếu, tín phiếu được đáo hạn nên dòng tiền đang quay trở lại hệ thống ngân hàng khá nhiều. Việc giảm lãi suất đầu vào là tất yếu", ông Trung phân tích.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tín dụng trong tháng đầu năm tăng trưởng âm khi giảm 1,21%. Bản thân các ngân hàng cũng cho biết, cầu tín dụng trong các tháng đầu năm luôn thấp, khách hàng tốt cũng chưa sẵn sàng với các phương án kinh doanh mới.

Trên thực tế, ra Tết cũng là thời điểm lượng tiền huy động gửi vào các nhà băng tăng mạnh. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, trước Tết, nhu cầu rút tiền của người dân rất lớn nhưng hiện nay thì ngược lại, họ gửi tiền vào ngân hàng khá nhiều nên đây cũng là lý do khiến lượng vốn thêm ứ đọng tại các nhà băng.

Cán bộ phụ trách về nguồn vốn của một ngân hàng quốc doanh cho hay, sau khi giảm lãi suất huy động trên toàn hệ thống vào tuần trước, nhiều chi nhánh cũng kêu vì lượng tiền gửi giảm khi một số khách chuyển sang ngân hàng khác.

"Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, tình hình lại ổn định bởi các ngân hàng nhỏ khác cũng rục rịch giảm lãi suất theo, nhiều khách hàng cân nhắc lại thấy việc đổi sổ, đổi ngân hàng phiền toái hơn mà lãi suất không nhỉnh hơn là bao", vị này nói.

Thông thường, tín dụng vẫn chiếm khoảng 70% lợi nhuận nhưng trong những tháng đầu năm, các nhà băng đều than thở rất khó tìm được khách để cho vay. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thừa nhận, thời gian này, họ chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ mảng đầu tư các chứng khoán nợ như trái phiếu, tín phiếu. Hiện lãi suất trái phiếu Chính phủ dao động từ 5,5 đến 6% một năm, kỳ hạn 1-2 năm và theo đánh giá của các ngân hàng là khá thấp.

Theo Thanh Thanh Lan

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG