Đến nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm (trong đó, một số doanh nghiệp tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm).
Các TCTD có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm. Ảnh minh họa
Theo bà Hồng, mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011.
Với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, theo đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các TCTD có thể căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp.
“Mặc dù có trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng trong phạm vi này, các TCTD có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh. Cùng đó, chúng tôi cho rằng, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các TCTD có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm”, bà Hồng nói.