Hàng loạt bất cập về BOT chưa có lời giải

TP - Chiều 17/8, Bộ GTVT họp báo xung quanh căng thẳng tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Các vấn đề đặt ra cho thấy, không chỉ Cai Lậy, người dân sẽ phải đối diện với hàng loạt các hệ quả của trạm BOT, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có cách giải quyết.

Giảm phí, chủ xe càng “nặng nợ”?

Tại họp báo, cách thức miễn, giảm phí tại trạm Cai Lậy được tiếp tục đưa ra mổ xẻ. Những tưởng, việc giảm giá sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng đường nhưng cùng với việc giảm giá, thời gian thu phí lại kéo dài. Điều đó, đồng nghĩa thời gian trả lãi ngân hàng lại tăng. Trong khi, dự án này có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, trong đó khoảng 85% vay vốn ngân hàng. Như tất cả các dự án BOT khác, phần lãi vay được tính vào tiền thu phí do người dân đóng góp. “Bộ GTVT nhìn nhận thế nào về việc tổng mức đầu tư dự án lại tăng, người dân lại tiếp tục gánh nặng trả lãi” - câu hỏi được đặt ra.

Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Việc tăng lãi suất do kéo dài thời gian thu phí là có.

Cũng liên quan vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư (Bộ GTVT) Nguyễn Danh Huy cho hay: Hiện lưu lượng xe qua trạm Cai Lậy chưa ổn định nên chưa thể tính toán được thời gian thu phí tăng chính xác. “Ước lượng sẽ kéo dài sẽ kéo dài 12-14 năm (hiện là 8,5 năm - PV)” - ông Huy nói.

Mong muốn chuyển trạm thu phí Cai Lậy về đường tránh của chủ phương tiện được đặt ra tại cuộc họp và câu trả lời của Bộ GTVT là không thể. Ông Đông cho hay, trạm thu phí đã được đặt đúng trong phạm vi dự án. Muốn chuyển trạm về đường tránh cần bố trí ngân sách để mua lại phần đường trong nội thị (khoảng 300 tỷ - PV). “Với tình hình ngân sách hiện nay không thể bố trí và nếu triển khai, phương án tài chính của dự án không khả thi” - ông Đông lý giải.

Các nội dung khác cũng được đặt ra như: Vì sao việc thảm lại mặt đường QL 1A qua nội thị Cai Lậy không dùng quỹ bảo trì đường bộ để làm? Ông Đông nói: “Quỹ Bảo trì đường bộ hiện chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu. Về nguyên tắc, Quỹ Bảo trì chỉ để trám, láng mặt đường chứ không đủ để thảm lại hay nâng cấp”. Ông Đông cũng cho hay, trước khi tiến hành “gộp” cả hai tuyến làm một dự án, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã khảo sát thực tế và thấy đường hai đầu thị xã Cai Lậy xuống cấp nên đã quyết định.

Về việc hai cây cầu trên dự án “biến mất” ông Đông cho hay: Dự án ban đầu thiết kế có 7 cầu, trong đó có 2 cầu dài 6 m. Khi bắt tay vào triển khai, Bộ GTVT đánh giá vị trí hai cầu này không cần thiết xây dựng quy mô cầu lớn nên đồng ý thu gọn thành hai cống. Ông Đông cũng khẳng định, việc thu gọn quy mô như vậy sẽ làm mức đầu tư giảm xuống nhưng chưa bóc tách được số liệu để công bố.

Hàng loạt bất cập về BOT chưa có lời giải ảnh 1 Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Người dân không có quyền lựa chọn với BOT

Phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi, Bộ GTVT giải quyết thế nào với tình trạng người dân không có lựa chọn đi đường miễn phí bên cạnh dự án BOT?, ông Đông nói: “Thực tế ngân sách chúng ta không có. Chúng tôi lo ngại, tới đây, ngay cả kinh phí để thảm lại mặt đường hiện hữu cũng không đủ mà phải xã hội hóa”.

Thứ trưởng GTVT cho hay, hiện ngân sách trung hạn cấp cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng được 30 % vốn theo kế hoạch phát triển; Bộ mong muốn 70% còn lại thu hút được từ các nhà đầu tư. “Các nước châu Âu không thu phí vì họ đã có quá trình tích luỹ. Chỉ có những nước đang phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, thậm chí là Hàn Quốc vẫn phải phát triển BOT” - ông Đông thông tin.

Ông Đông cũng thừa nhận, hiện hành lang pháp lý cho BOT còn nhiều bất cập. Bộ GTVT đang đề nghị Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật đối tác công tư để thực hiện các dự án bài bản, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thiếu vốn ngân sách, đầu tư các dự án BOT để phát triển nhanh hạ tầng giao thông được không ít người dân đồng thuận.

Vì sao không đấu thầu dự án BOT?

Câu hỏi vì sao không đấu thầu dự án Cai Lậy được PV Tiền Phong đặt ra tại cuộc họp. Ông Nguyễn Danh Huy- Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho hay: Hành lang pháp lý hiện nay cho phép chỉ định thầu khi chỉ xuất hiện một nhà đầu tư và dự án Cai Lậy nằm trong trường hợp đó. Tuy nhiên, vì sao một dự án vốn không lớn, nằm tại vùng sôi động nhất của miền Tây Nam Bộ lại chỉ một nhà đầu tư đăng ký tham gia lại chưa có câu trả lời.

Trao đổi xung quanh sự kiện trạm thu phí Cai Lậy và những bức xúc về BOT hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng có nhiều vấn đề cần thay đổi trong cách thực hiện BOT. Trong đó, quan trọng nhất, Bộ GTVT nhất thiết phải đấu thầu. “Bài thầu” đưa ra cũng chỉ kiểm soát ba nội dung: Chỉ tiêu kỹ thuật của đường, thời gian và mức phí hoàn vốn. Tổng mức đầu tư ra sao? thi công thế nào… nên để nhà đầu tư lo liệu. “Nhà đầu tư có thể bỏ tiền nhiều để đầu tư đường tốt để không phải bảo trì khi vận hành, biện pháp thi công tốt họ sẽ lãi, thi công kém sẽ thiệt… Cách này được các nước làm từ lâu; còn ở ta cái gì cơ quan nhà nước cũng “thò” bút ký, vừa vất vả, khi xảy ra việc gì khó tránh được dị nghị” - ông Thanh nói.

“Các dự án BOT có những bất cập, chưa được người sử dụng đồng thuận. Cái này đã được Quốc hội và các cơ quan nêu ra và Bộ GTVT đang xử lý”.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông

MỚI - NÓNG