Hàn Quốc ở đâu trong tam giác Hàn - Mỹ - Nhật?

0:00 / 0:00
0:00
Ông Chung Eui-yong (trái) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ở Bắc Kinh năm 2018. Ông Chung là giám đốc an ninh quốc gia vào thời điểm đó ảnh: Reuters
Ông Chung Eui-yong (trái) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ở Bắc Kinh năm 2018. Ông Chung là giám đốc an ninh quốc gia vào thời điểm đó ảnh: Reuters
TP - Hàn Quốc đang tìm cách cân bằng mối quan hệ với các cường quốc khi chính quyền mới ở Washington đã sẵn sàng xem xét chính sách đối với Triều Tiên, đồng thời ngoại trưởng Hàn Quốc tới Trung Quốc, cố vấn an ninh quốc gia của Seoul tới Mỹ gặp người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong sẽ gặp người đồng cấp Vương Nghị ở Hạ Môn, thuộc tỉnh Phúc Kiến, trong ngày hôm nay, vì Trung Quốc cấm du khách nước ngoài đến thủ đô do đại dịch COVID-19. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai người sẽ thảo luận các vấn đề khu vực bao gồm vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang ở nhiều mặt trận. Trong chuyến thăm tới Seoul tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hối thúc Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Hàn Quốc đang rơi vào tình thế khó khăn giữa hai cường quốc, vì nước này cần phải cho Washington thấy họ có thể đứng vững trước Bắc Kinh, nhưng đồng thời duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

“Trung Quốc cho rằng Hàn Quốc là một mắt xích yếu trong liên minh Hàn - Mỹ - Nhật nên sẽ thúc đẩy nước này rút khỏi chiến tuyến chống lại họ”, Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học nữ sinh Ewha ở Seoul nói với Nikkei Asia. “Mặt khác, Mỹ muốn Seoul tham gia liên minh ba bên để chống lại Bắc Kinh”.

“Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn mơ hồ chiến lược, nhưng sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nếu nước này không có các nguyên tắc cụ thể.”

Chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Hàn Quốc tới Trung Quốc sau 3 năm diễn ra trong bối cảnh hoạt động ngoại giao bùng nổ trong vài tuần qua. Ngoại trưởng Vương đã gặp những người đồng cấp ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và hội đàm với các ngoại trưởng Đông Nam Á hôm qua. Ngoại trưởng Blinken đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu, tham gia màn đấu khẩu với ông Vương ở Alaska.

“Trung Quốc cho rằng Hàn Quốc là mắt xích yếu trong liên minh Hàn - Mỹ - Nhật nên sẽ thúc đẩy nước này rút khỏi chiến tuyến chống lại họ. Trong khi đó, Mỹ muốn Seoul tham gia liên minh ba bên để chống lại Bắc Kinh”.

Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế

Triều Tiên, Trung Quốc

Còn theo CNN, cuộc gặp của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với các quan chức hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua tập trung chủ yếu vào vấn đề Triều Tiên.

“Ý định của chúng tôi là thảo luận về mọi khía cạnh chính sách đối với Triều Tiên”, một quan chức Mỹ nói với CNN.

Ông Sullivan đang tiếp đón tổng thư ký an ninh quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura và cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon và sẽ có cuộc đối thoại ba bên tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, bang Maryland.

Đây là cuộc họp cấp cao nhất giữa các quan chức ba nước kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống. Mỹ hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để đối trọng tốt hơn với Trung Quốc ở châu Á.

Các quan chức được nói là sẽ thảo luận về các hành động khiêu khích bằng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, phản ứng của Triều Tiên đối với đại dịch COVID-19 và chính sách ngoại giao gần đây giữa Triều Tiên và Trung Quốc, quan chức nói trên cho biết.

Vì này nói thêm, chính quyền Biden đang trong “giai đoạn cuối” hoàn thành việc xem xét chính sách đối với Triều Tiên. Đánh giá bao gồm các cuộc tham vấn sâu rộng với các thành viên của chính quyền Trump về các cam kết ngoại giao với Triều Tiên. Ông Sullivan giờ đây đã có thể cho Nhật Bản và Hàn Quốc hiểu những gì Mỹ đang dự tính về chiến lược Triều Tiên.

Các quan chức cũng sẽ thảo luận về “những lo ngại an ninh ở biển Đông và các nơi khác”. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông và trong nhiều năm đã xây dựng các đảo nhân tạo kiên cố với tên lửa, đường băng và hệ thống vũ khí. Các hành động của Bắc Kinh đã gây ra sự phản đối kịch liệt từ các chính phủ khác.

MỚI - NÓNG