Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong ngày 5/4, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định kiểm tra đột xuất đối với 2 cơ sở kinh doanh gạo ở quận Hoàng Mai và một cơ sở kinh doanh ở huyện Hoài Đức.
Cùng thời điểm, Đội Quản lý thị trường số 5 và Đội Quản lý thị trường số 15 cũng đồng loạt kiểm tra cơ sở kinh doanh gạo Hồng Hằng ở địa chỉ 55, ngõ 150 phố Tân Khai, quận Hoàng Mai; Cơ sở kinh doanh Gạo ở địa chỉ 19C Nguyễn Chính, quận Hoàng Mai và Cơ sở kinh doanh Siêu thị gạo sạch ở số 25 đường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
Theo thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 1, bước đầu kiểm tra cho thấy, hoạt động kinh doanh hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh trên đều có dấu hiệu giả mạo đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả về bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; giả mạo mã số mã vạch của hàng hóa, giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.
Cụ thể, tại cơ sở kinh doanh hệ thống phân phối Minh Thu Gạo Sạch ở số 281 Tân Mai, Quận Hoàng Mai, đoàn kiểm tra phát hiện hành vi đóng gói kinh doanh gạo có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và giả mạo bao bì của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí, địa chỉ 196 đường tỉnh lộ 8, ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội lập hồ sơ vụ việc. |
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 36 túi gạo ông cua gạo ST25 loại 5 kg/túi, 3 túi gạo Ông Cua ST25 Lúa - Tôm là hàng hóa thành phẩm có dấu hiệu hàng giả cùng 230 bao bì giả mạo chưa đóng, 700 kg gạo dùng để đóng gói gạo giả mạo thương hiệu. Đoàn kiểm tra cũng thu giữ cân, máy hàn nhiệt dùng để đóng gói gạo giả.
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện và ghi nhận cơ sở kinh doanh sử dụng tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shoppe có tên gạo ngon Minh Thu để đăng tải và bán các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo.
Đoàn kiểm tra làm việc với cơ sở bán gạo có dấu hiệu giả mạo thương hiệu Gạo Ông Cua. |
Tại Cơ sở kinh doanh Gạo Đình Phong ở địa chỉ Tổ 21, Đường Mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, đoàn kiểm tra đã tạm giữ 31 bao loại 5 kg hàng thành phẩm, 146 chiếc vỏ bao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và giả mạo bao bì của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, địa chỉ: 196 đường Tỉnh Lộ 8, ấp Hà Bô, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đoàn kiểm tra cũng thu giữ trên 2.600 chiếc tem chống hàng giả giả, 1 cân, 1 máy hàn nhiệt và 1 thùng máy dùng để đóng gói gạo giả.
Tại Cơ sở kinh doanh Gạo Tuấn Lý ở địa chỉ số 288, Đường 422, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ 68 bao loại 5kg hàng thành phẩm, 605 chiếc vỏ bao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và giả mạo bao bì của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí. Đoàn cũng thu giữ một máy hàn nhiệt dùng để đóng gói gạo giả.
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 - cho biết, đối với cả 3 vụ việc trên, Đội 1 đang lập và củng cố hồ sơ với hai hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và vi phạm về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Ngay khi có kết luận bằng văn bản của chủ thể quyền về hành vi đóng gói sản xuất gạo giả mạo nhãn hiệu và giả mạo bao bì của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Đội 1 sẽ chuyển hồ sơ các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm trên để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định”, ông Nghĩa khẳng định.
Tại tại hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, diễn ra ngày 18/3 tại Cần Thơ, ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 - cho biết, sau khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, suốt 4 năm vừa qua, doanh nghiệp liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới, cũng như trong nước. “Chúng tôi lao vào cuộc chiến đấu, phải gồng mình lắm mới vượt qua được”, ông Cua nói.