Ngày 11/11, Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022 họp báo liên quan đến những thông tin “không khách quan, chưa giữ bí mật mã số dự thi” từ phía ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ’ của giống gạo ST24 và ST25.
Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam chia sẻ thông tin với báo chí ngày 11/11 |
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 - khẳng định, cuộc thi có mục tiêu và tiêu chí rõ ràng. Ban tổ chức đã công bố rộng rãi và gửi đến các địa phương, đơn vị dự thi và phương tiện truyền thông và được tổ chức trung thực, khách quan, minh bạch…
“Ban tổ chức khẳng định cuộc thi hoàn toàn đúng theo quy chế, ban giám khảo làm đúng quy chế quy định” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam có tiêu chí rõ ràng, thể lệ đầy đủ gửi đến các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước; mục tiêu nhằm tìm ra giống gạo ngon giới thiệu thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên sau cuộc thi, ông Hồ Quang Cua phản ánh với các đơn vị truyền thông với nhiều vấn đề: Cuộc thi không khách quan và khoa học, không giữ được bí mật mã số các sản phẩm gạo dự thi; giống đoạt giải nhất cuộc thi là TBR39 có sự đánh tráo, “ruột” của giống này là từ ST24…
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 năm 2022. |
“Sau cuộc thi, ông Hồ Quang Cua có phản ánh, khiếu nại một lần về giống lúa đoạt giải đánh tráo giống ST24. Tôi đề nghị ông Cua gửi văn bản để ban tổ chức giải quyết nhưng đến thời điểm này, ban tổ chức vẫn chưa nhận được phản ứng chính thức nào bằng văn bản từ phía ông Cua…
Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng không chỉ với uy tín của cuộc thi mà cả ngành lúa gạo. Chính vì vậy, chúng tôi tổ chức họp báo này để cung cấp thêm những thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí. Tôi xin khẳng định, cuộc thi tổ chức hoàn toàn đúng quy chế và thể lệ, ban giám khảo và Ban tổ chức đều công tâm và nghiêm túc” - ông Nam nhấn mạnh.
Liên quan đến thông tin ông Cua tự gửi giống gạo đi thi quốc tế, ông Nam cho biết, cuộc thi Gạo ngon thế giới do tổ chức phi chính phủ tổ chức nên thể lệ thay đổi hàng năm. Việc họ có chấp nhận giống gạo của ông Cua hay không đều không ảnh hưởng kết quả trong nước.
Liên quan đến việc tự gửi giống đi thi quốc tế, ông Nam cho rằng thế lệ quốc tế thay đổi hàng năm; nếu họ chấp nhận thì tùy theo thể lệ vẫn được.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thành viên ban tổ chức Gạo ngon Việt Nam - cho biết, phần quan trọng nhất của cuộc thi gạo ngon là khi nấu ra mới đánh giá được về độ mềm, ngọt, độ nguyên của gạo. Trong thang điểm có ghi đầy đủ các tiêu chí, được 7 giám khảo chấm và cộng bình quân. Trong phần nấu chỉ có đầu bếp và được giám sát thông qua hệ thống camera. Tất cả đều trung thực và công bằng.
Theo đại diện ban tổ chức cuộc thi, hồ sơ dự thi của Tập đoàn Thái Bình Seed làm đúng theo quy chế, thể lệ cuộc thi. Cụ thể, theo quy chế phải được khảo nghiệm từ 1 trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước.
Căn cứ trên kết quả cuộc thi, sản phẩm gạo thơm đạt giải sẽ được ban tổ chức cử làm đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2022, trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới 2022 sắp tới. Song tới thời điểm cuộc thi này cận kề lại vướng lùm xùm và theo đại diện của VFA, hiện đơn vị này mới nhận được yêu cầu giới thiệu tham gia dự thi Gạo ngon thế giới từ Tập đoàn Lộc Trời.