Hà Nội dự báo khó khăn nguồn cung nông sản dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội dự báo khó khăn nguồn cung nông sản dịp Tết
TPO - Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản và nguồn cung nông sản thiết yếu cho Hà Nội dự báo sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, Hà Nội mong muốn kết nối một cách thực chất cung cầu nông sản với các địa phương khác.

Sáng 23/10, Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội và UBND 40 tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức Diễn đàn chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông - lâm - thủy sản giữa Hà Nội và 40 tỉnh, thành phố tại ba miền Bắc - Trung - Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sự kiện diễn ra tại các điểm cầu: UBND thành phố Hà Nội, UBND 40 tỉnh/thành phố cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội là một trong thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước.

Trong khi đó, Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản và nguồn cung nông sản thiết yếu cho Hà Nội dự báo sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn thành phố một tháng gồm: gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu)...

Theo bà Trần Thị Phương Lan, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn nên Sở Công Thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Vì vậy, Hà Nội mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch phục vụ Tết và kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.

“Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Market, BigC, Aeon Mall; đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu”, bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Khẳng định thị trường quyết định sản xuất, ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, nếu người nông dân không tiêu thụ được sản phẩm, phải "giải cứu" thì không phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.

Do đó, ông Vương Quốc Nam đề nghị các địa phương và Hà Nội có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để tiêu thụ nông sản cho Sóc Trăng. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò điều phối, chỉ đạo để xây dựng liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài các địa phương như Kiên Giang, Đồng Tháp, Lâm Đồng…. đưa ra những đề xuất kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây với Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, tại địa phương có hiện tượng dư thừa, ùn ứ nông sản trong khi không ít nhà máy, doanh nghiệp lại thiếu nguyên liệu. Các nhà thu mua không đủ dữ liệu thông tin về các mặt hàng nông sản, sản lượng, thời điểm thu hoạch, địa điểm, tiêu chuẩn chất lượng, đầu mối cung cấp để liên hệ thu mua. Vì vậy, về lâu dài các địa phương cần có sự liên kết vùng để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng chỗ thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025”.

MỚI - NÓNG