Ô nhiễm môi trường đô thị: Báo động!

Hà Nội đối diện với ô nhiễm không khí

TP - Các quận nội thành Hà Nội đang phải đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm tại những khu vực có nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong danh sách cần di dời khẩn cấp nhưng nhiều năm qua chưa được triển khai.

Đánh giá về chất lượng không khí Thủ đô, tại Hội thảo về Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội vừa tổ chức, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Chất lượng không khí khu vực nội thành có biểu hiện suy thoái do tốc độ tăng dân số, quá trình đô thị hóa, nhanh kéo theo sự gia tăng lượng phương tiện giao thông cơ giới đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính, các công trường xây dựng. Thậm chí, nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm vượt cả giới hạn cho phép.

Vấn đề đáng quan tâm nhất đối với chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội là chỉ tiêu bụi tổng số. Bụi PM10 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet) và bụi PM2.5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã vượt QCVN 05/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh.

Hà Nội đối diện với ô nhiễm không khí ảnh 1 Nhà máy Dệt kim Đông Xuân thường xuyên xả khói, bụi giữa khu dân cư khiến dư luận bức xúc.

Để xử lý tình trạng trên, Hà Nội đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động, tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Pháp tài trợ. Tuy nhiên, trong lúc chưa thực hiện được lộ trình giảm phương tiện cá nhân trong khu vực nội đô, Hà Nội chỉ hy vọng cải thiện chất lượng không khí thông qua các giải pháp hỗ trợ như trồng cây xanh, xây hồ điều hòa, cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường.

Không chỉ đối mặt ô nhiễm từ lượng phương tiện cá nhân, Hà Nội còn phải đối diện nguy cơ ô nhiễm xuất phát từ các nhà máy, cơ sở sản xuất nằm giữa khu dân cư đông đúc. Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế, Chi cục Môi trường - Sở TN&MT Hà Nội đã lập danh sách 117 cơ sở ô nhiễm cần di dời khẩn cấp hoạt động ở lĩnh vực cơ khí, in ấn, dệt may, sản xuất thực phẩm trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông.  Trong đó, riêng tại Công ty dệt may Dệt kim Đông Xuân nằm trên phố Minh Khai đã bị người dân nhiều lần phản ánh tình trạng xả khói, bụi diễn ra thường xuyên giữa khu dân cư đông đúc.

UBND phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần yêu cầu công ty thực hiện các biện pháp khắc phục, nhưng đến nay tình trạng xả khói, bụi vẫn tiếp diễn. Trước tình trạng ô nhiễm, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết đã nhiều lần kiến nghị di dời nhà máy nhưng đề xuất chưa được thực hiện, mặc dù doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại quy mô gần 20ha tại tỉnh Hưng Yên.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.