Hà Nội đề xuất kết thúc thí điểm mô hình Đội Quản lý TTXD đô thị

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đánh giá mô hình thí điểm hiện tại cơ bản phù hợp với thực tế, Hà Nội đề xuất bổ sung quy định về một tổ chức hành chính dành cho lực lượng này vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để các Đội quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị tiếp tục hoạt động đúng quy định.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cùng Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá 5 năm thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội, lấy ý kiến của các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, các Đội Quản lý TTXD đô thị để góp ý cho dự thảo báo cáo ý kiến từ cơ sở về thuận lợi, khó khăn bất cập khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm; Xin ý kiến tham vấn của các Bộ, ngành Trung ương về mô hình quản lý TTXD trên địa bàn TP Hà Nội về cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Đội Quản lý TTXD đô thị.

Ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 4 năm khi thực hiện mô hình thí điểm (từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2022), các Đội Quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 76.170 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 2.811 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 3,69%). UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 2.328 trường hợp vi phạm (455 trường hợp cưỡng chế phá dỡ; 1.579 trường hợp tự khắc phục vi phạm; 24 trường hợp hoà giải, bồi thường; 270 trường hợp đã được cấp mới, bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng; Đang giải quyết xử lý theo thẩm quyền 483 trường hợp).

Hà Nội đề xuất kết thúc thí điểm mô hình Đội Quản lý TTXD đô thị ảnh 1

Cưỡng chế một công trình trên địa bàn Hà Nội

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý TTXD trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, các vi phạm đã được phát hiện kịp thời; Những trường hợp vi phạm TTXD phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận đã dần được hạn chế; Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.

So với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện, sau khi thực hiện mô hình thí điểm tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92%.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, mô hình cũng có một số nhược điểm, khó khăn, bất cập như khó khăn trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tổ chức bộ máy không ổn định, không có luật quy định, cán bộ công chức tâm tư không ổn định để công tác. Thanh tra đã được bổ nhiệm trước đây hiện đang công tác tại các Đội Quản lý TTXD đô thị không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt. Các đội không có phụ cấp ngành, trang phục ngành.

Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Cầu Giấy Trần Anh Tuấn cho biết thêm, trước đây, Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện (nay là Đội trưởng) được quyền xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ công trình xây dựng tương đương với thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Đội trưởng Đội QLTTXD đô thị không còn được trao thẩm quyền này dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đôi lúc chưa kịp thời, thiếu hiệu quả và không nghiêm.

Đánh giá mô hình thí điểm hiện tại cơ bản phù hợp với thực tế, ông Chu Hồng Uy, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đồng tình việc cần sớm đề xuất bổ sung quy định về một tổ chức hành chính dành cho lực lượng này vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tiếp tục hoạt động đúng quy định.

MỚI - NÓNG