Chuyện cuối tuần:

Gương mặt

Gương mặt
TP - Tác phẩm “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” ra đời từ 30 năm trước, nay lại nóng rẫy trên các diễn đàn văn chương, khi tác giả của nó - nữ nhà báo, nhà văn người Belarus - Svetlana Alexievich - vừa giành giải Nobel Văn học danh giá. Trong khi đó, Nobel Hòa bình năm nay cũng không mang gương mặt phụ nữ như dự đoán, nổi bật là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel - người góp công lớn xoa dịu khủng hoảng di cư châu Âu. 

Trường hợp các tác phẩm thiên về tư liệu báo chí đạt giải Nobel Văn học lần này xảy ra tranh cãi, về ranh giới giữa văn và báo, giữa hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non-fiction). Phải chăng yếu tố xã hội, thời sự thế giới này đã trở nên cần thiết hơn nghệ thuật văn chương bay bổng? “Nghệ thuật có thể dối trá, còn tư liệu không lừa dối… Khi hiện nay, thế giới và con người đã trở nên có nhiều bộ mặt và nhiều biến thái” - chủ nhân của giải Nobel 2015 tự trả  lời.

Hơn một triệu phụ nữ Xô Viết lứa tuổi từ 15 đến 30 trên các mặt trận của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cách đây 70 năm, cùng khoảng một triệu nữ du kích. Không chỉ là những nữ y tá, bác sĩ chuyên tải thương cứu người, họ còn lái máy bay, xe tăng, là xạ thủ súng máy, bắn tỉa…, và tất nhiên là trực tiếp giết người, được gọi với những cái tên đối phương, kẻ thù… Tác giả bằng cách viết dựa trên người thật việc thật, muốn nói lên sự thật về chiến tranh - “cái công việc vô nhân của nhân loại”. Bà luôn đi tìm xem “có bao nhiêu chất người trong con người? Chúng ta có thể bảo vệ chúng bằng cái gì?”.  

Di cốt một người lính Anh của Thế chiến I vừa được tìm thấy và chôn cất sau tròn 100 năm sau ngày ông tử trận. Nhưng các cuộc chiến thì vẫn đang diễn ra hàng ngày. Nước Nga vừa chính thức tham chiến tại Syria bằng hàng loạt cuộc không kích dữ dội vào lực lượng khủng bố IS suốt tuần qua. Nhiều nơi liên tiếp xảy ra các vụ đặt bom khủng bố, dân thường liên tục ngã xuống.  

Tin hôm qua, con số người thiệt mạng sau vụ giẫm đạp tại thánh địa Mecca (Ả Rập Saudi) hôm 24/9 vừa qua nay đã lên tới trên 1.450 người thuộc 19 quốc gia. Chính thức vượt kỷ lục vụ giẫm đạp tại đây năm 1990 với 1.426 người thiệt mạng. Hầu như năm nào cũng xảy ra thảm nạn, nhưng vẫn luôn có tới hàng triệu người đi bộ hành hương tới đây mỗi năm. Đức tin của con người đang cần chỗ dựa hơn bao giờ hết, bởi sự vô vọng nhân tính?

Ám ảnh những gương mặt trẻ măng, thất thần của các bảo mẫu vừa bị khởi tố vì hành hạ trẻ ở Quảng Bình. Cái ác nhiều khi không thuộc về bản chất, mà bột phát do thiếu kỹ năng sống. Dư luận đang muốn người trong cuộc bãi nại, tạo cơ hội cho hai cô gái trẻ được làm lại cuộc đời.

Gương mặt - biểu tượng vĩnh cửu của nhân tính. Lưu Quang Vũ từng kêu lên “Gương mặt của hôm nay ơi, em của những ngày đang sống…/sau vô biên sẽ chỉ có vô biên”. Ông cảm thấy tiếc nuối dù vẫn đang còn sống, vì  “Yêu thương hoài vẫn chưa đủ yêu thương” (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở).

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…