Góp yêu thương trên từng cây số

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trên hành trình hồi hương đầy trắc trở của hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, họ nhận được sự hỗ trợ của những tấm lòng thơm thảo tiếp sức về tận quê nhà.

Chưa trả xong nợ, họa lại ập đến

“Một tháng nay, hàng ngàn cuộc hồi hương của những lao động nghèo từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về Đắk Nông đã được thực hiện, đa số bình an. Chỉ riêng gia đình nghèo của anh Đỗ Trường Sinh (SN 1977, ở bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà, Đăk Song) thì không.

Tối ngày 27/7, trong lúc chạy xe máy về, qua đoạn đèo đổ dốc rừng thông Trường Xuân (huyện Đắk Song), xe của anh Sinh bị nổ lốp, mất lái khiến anh bị thương nặng, gãy 3 xương sườn, gãy vai và tràn dịch màng phổi. Tay trắng sau những ngày liên tiếp không có việc làm ở Bình Dương, nay lại mắc tai nạn, em cúi xin mọi người giúp chút ít cho anh Sinh có chi phí để vượt qua cơn hoạn nạn này. Mọi giúp đỡ xin ghi rõ họ tên người gửi + ủng hộ anh Sinh, và gửi về STK Agribank của em: Nguyễn Thị Loan, 5300215010XXX. Em vô cùng cảm ơn” - dòng trạng thái của tài khoản Facebook cá nhân Bếp nhà Tôm nhanh chóng được chia sẻ khắp cộng đồng mạng.

Góp yêu thương trên từng cây số ảnh 1
Anh Sinh đang điều trị tại BVĐK tỉnh Đắk Nông

Nguyễn Thị Loan (SN 1989, chủ tài khoản Bếp nhà Tôm) xúc động cho biết, chỉ sau 5 tiếng kêu gọi, Loan đã nhận được 15,5 triệu đồng. Loan xin dừng kêu gọi để nhường cho các hoàn cảnh khác và cho biết sẽ bố trí trong tuần này đến thăm, gửi số tiền trên cho anh Sinh.

Chiều 30/7, chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Đỗ Thị Hương (SN 1990, em gái anh Sinh) cho biết, các bác sĩ đã cho tháo bình oxy để anh tự thở. Nếu 2 hôm nữa sức khỏe anh Sinh tốt hơn, các bác sĩ sẽ cho mổ.

Theo chị Hương, trước đây, vợ chồng anh Sinh có vay vốn ngân hàng để mở nhà hàng bán thịt dê ở huyện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, làm ăn thất bát nên vợ chồng anh phải bán lại nhà hàng, cầm cố sổ đỏ để trả nợ. Gần một năm nay, vợ chồng anh cùng hai con (một học lớp 8, một học dở lớp 9 thì nghỉ) lên Bình Dương làm thuê cho một nhà hàng. Do ảnh hưởng của dịch nên nhà hàng này cũng đóng cửa 2 tháng nay. Tiền tạm đóng viện phí đã hết 8 triệu đồng, chị không biết kiếm đâu ra tiền để lo mổ cho anh trai.

Người dân gom góp tiếp sức

Ngày 30/7, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, huyện và tỉnh đang nỗ lực để đưa 4 thanh niên ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông từ TPHCM đi bộ về quê, đang “mắc kẹt” ở Bình Dương.

Theo ông Mạnh, cả 4 người nói trên là công nhân ở TPHCM, thất nghiệp vì dịch COVID-19 nên quyết định đi bộ về quê. Đến 3h sáng ngày 28/7, khi đến chân cầu Phú Cường (phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), vì Bình Dương đang giãn cách, nên không qua được, đành ngủ dưới gầm cầu mấy ngày liền. Mỗi ngày chỉ ăn mì tôm.

Góp yêu thương trên từng cây số ảnh 2

Hai em Trần Thị Huyền và Trần Văn Đủ (quê KonTum, làm công nhân ở Bình Phước) đi bộ về quê tránh dịch đã được các nhà hảo tâm cho xe đạp, sau đó hỗ trợ mua xe máy

Lực lượng trực chốt kiểm soát COVID-19 ở đây tình cờ phát hiện, mang bánh kẹo, quần áo đến hỗ trợ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và TP Thủ Dầu Một biết hoàn cảnh đáng thương đã chỉ đạo phường Chánh Mỹ chở 4 công dân này lên ở tạm tại một trường học ở phường Hiệp An. Sau khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người hảo tâm ủng hộ tổng cộng khoảng 20 triệu đồng, cùng nhu yếu phẩm.

Ông A Kang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum, cho biết, Sở đang phối hợp Sở GTVT Kon Tum điều 5 ô tô khách chở 100 công dân (20 người/xe) từ các địa phương có dịch về quê, chủ yếu ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Mỗi đợt vận chuyển 100 người. Khoảng 1-2 ngày nữa, tỉnh sẽ bắt đầu triển khai đón công dân.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc tạo công ăn việc làm cho người lao động thất nghiệp từ vùng dịch về, ông A Kang cho biết, sẽ tạo điều kiện cho họ vay vốn, trồng cây ngắn ngày, giới thiệu vào làm công nhân khai thác mủ cao su tại các công ty.

MỚI - NÓNG