Khó giám sát và phạt nặng
Ông Nguyễn Danh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội), cho biết, các hoạt động sản xuất làng nghề đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, đặc biệt là khí thải và nước thải từ chế biến, sản xuất mạch nha, miến dong, bánh kẹo, bao bì... Ông Tuấn thừa nhận, phần lớn các cơ sở sản xuất (CSSX) này đều không có hệ thống xử lý khí thải, nước thải phù hợp, nên việc gây ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước… diễn ra nhiều năm nay.
Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), xác nhận một số hộ dân chế biến, sản xuất mạch nha, miến dong có gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, đặc biệt ở khu vực kênh T5 chảy qua các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Ông Long thừa nhận, đa số CSSX chưa đầu tư công nghệ xử lý chất thải, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất lạc hậu. “Về vị trí địa lý, xã Cát Quế cũng thiệt thòi khi là điểm cuối nguồn của kênh T5, nên phải hứng chịu thêm cả nước thải từ các xã khác đổ về”, ông nói.
Nước thải từ một số CSSX của xã Dương Liễu và Cát Quế đang được xả thẳng ra sông Đáy. Sau khi phỏng vấn một số người dân sống ven hai bờ sông Đáy đoạn chảy qua xã Dương Liễu và Cát Quế, chúng tôi được biết, sông đã bị ô nhiễm trầm trọng đến mức không gia đình nào còn bơm nước từ sông để tưới cho ruộng vườn. Trạm bơm tại thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế đã bị bỏ hoang từ lâu.
Tại xã Dương Liễu, ống khói từ các nhà xưởng trong khu dân cư liên tục nhả khói gần như cả ngày |
Ông Nguyễn Danh Tuấn chia sẻ, xã Dương Liễu đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý, giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Xã không có kinh phí để thuê các đơn vị quan trắc để đánh giá tác động môi trường của các CSSX để làm cơ sở để xử phạt. Muốn thuê bằng ngân sách, phải báo cáo huyện và chờ rất lâu. Thông thường, khi đơn vị quan trắc về, các CSSX sẽ đóng cửa, dừng sản xuất nên không thể lấy được mẫu chính xác. “Người dân ở làng nghề luôn tìm cách để bảo vệ nhau. Chỉ cần có người biết cơ quan quan trắc, cảnh sát môi trường hoặc đoàn thanh tra của Bộ, Sở về làng là sẽ báo cho những cơ sở khác ngừng sản xuất, đóng cửa ngay lập tức. Hàng xóm láng giềng chung quanh các CSSX cũng ngại tố cáo, vì chủ cơ sở có thể là họ hàng của họ, hoặc đang tạo công ăn việc làm cho con cháu họ”, ông Tuấn nói.
Về định hướng phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn đến năm 2030, Hà Nội dự kiến giữ nguyên diện tích 59 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.508,4 ha; điều chỉnh (tăng/giảm) diện tích 78 CCN với tổng diện tích 2.700,1 ha (tăng thêm 1.315 ha so với quy hoạch trước đây là 1.384,7 ha); loại khỏi danh mục 23 CCN (tổng diện tích 300,6 ha); bổ sung (quy hoạch mới) vào danh mục quy hoạch các CCN Hà Nội 39 CCN với tổng diện tích 1.584 ha.
Theo ông Tuấn, thẩm quyền xử phạt của UBND cấp xã quá thấp. Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền xử phạt tối đa 5 triệu đồng/lần, không đủ sức răn đe với người vi phạm. Ngoài ra, việc thiếu nhân sự công tác trong lĩnh vực môi trường, thiếu sự phối hợp với các cơ quan chức năng dẫn đến nhiều hành vi vi phạm bị bỏ lọt.
Thiếu cụm công nghiệp nghề
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực ngoại thành Hà Nội nói chung và tại các làng nghề nói riêng, việc thành lập các cụm công nghiệp (CCN) làng nghề sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trên khu vực được coi là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường tại Hoài Đức là các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, mới chỉ có một CCN đang hoạt động là CCN làng nghề xã Dương Liễu.
Theo ông Nguyễn Duy Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Minh Dương (chủ đầu tư của CCN Dương Liễu), CCN Dương Liễu hiện có trên 60 hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp đang hoạt động. CCN còn khoảng 20 lô đất trống, dự kiến được đưa vào sử dụng toàn bộ trong năm 2025. Những hộ sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Ông Hà cho biết, đơn vị nhận xử lý chất thải rắn cho CCN Dương Liễu hiện nay là Hợp tác xã Thành Công; còn nhận xử lý nước thải là Công ty Cổ phần Quản lý vận hành xử lý nước thải Việt Nam (nơi xử lý là Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà) và xử lý chất thải nguy hại là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp Bắc Sơn (URENCO Bắc Sơn).
Xét riêng khâu chế biến, sản xuất nông sản, xã Dương Liễu hiện có hơn 1.200 hộ và 145 doanh nghiệp tham gia. Với khoảng 60 CSSX đang hoạt động trong CCN, CCN Dương Liễu mới chỉ giảm tải được một phần rất nhỏ về áp lực môi trường cho xã Dương Liễu nói riêng và các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế nói chung. Vì vậy, chính quyền TP Hà Nội và huyện Hoài Đức đã có chủ trương thành lập các CCN Cát Quế, Minh Khai và Dương Liễu (giai đoạn 2). Tuy nhiên, nhiều năm qua, mọi việc vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tháng 6/2020, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập CCN Dương Liễu giai đoạn 2 với diện tích khoảng 17 ha, trong đó có khoảng 10ha là đất trồng lúa, phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án CCN Dương Liễu giai đoạn 2. Hiện nay, dự án mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Thành phố đã yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương, chủ đầu tư, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng CCN Dương Liễu giai đoạn 2.
Còn 2 dự án CCN Cát Quế và CCN Minh Khai cũng đang gặp khó khăn về quy hoạch xây dựng, bởi khu đất được đề xuất thành lập 2 CCN này nằm trong khu vực hành lang xanh nên chưa đủ điều kiện xem xét. Trong kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng chưa có tên của 2 CCN này.