Lãnh đạo huyện ở Đắk Nông nói gì về công văn khuyên dân 'ở yên tại chỗ, đừng về'?

0:00 / 0:00
0:00
Người dân Tây Nguyên từ các tỉnh phía Nam rồng rắn bằng xe máy về quê tránh dịch
Người dân Tây Nguyên từ các tỉnh phía Nam rồng rắn bằng xe máy về quê tránh dịch
TPO - Lãnh đạo huyện Đắk R'Lấp (Đắk Nông) vừa ra văn bản khuyến cáo công dân đang ở Bình Dương nên "ở yên tại chỗ", không di chuyển về địa phương.

Ngày 28/7, lượng người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam di chuyển bằng xe máy về hoặc đi qua địa bàn Tây Nguyên vẫn không ngớt. Một cán bộ công an trực tại chốt kiểm soát Cai Chanh (huyện Đắk R'Lấp, Đắk Nông, giáp Bình Phước) cho biết, tính đến 14h cùng ngày có 2 đoàn đi qua chốt, tương đương khoảng 600 người.

Tuy nhiên sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) Phan Nhật Thanh đã ban hành văn bản về việc phối hợp thực hiện thống nhất, đồng bộ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với tỉnh Bình Dương.

Theo đó, lãnh đạo UBND huyện Đắk R’Lấp chỉ đạo: "UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền vận động, kêu gọi, thuyết phục người dân tại địa phương có người nhà đang sinh sống, lao động và làm việc, học tập… tại Bình Dương ở yên tại chỗ trong thời gian giãn cách xã hội, không di chuyển về địa phương (Đắk Nông), góp phần hạn chế tối đa việc phát tán, lây lan dịch bệnh COVID-19 ra các địa phương”.

UBND huyện Đắk R’Lấp cũng khuyến cáo: "Người dân nếu tự về địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm về các chi phí như xét nghiệm, cách ly y tế, ăn ở đi lại... và các nội dung liên quan".

Sau khi văn bản này ban hành, rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc, lo lắng cho tình trạng của người thân đang "mắc kẹt" ở Bình Dương.

Trả lời Tiền Phong, ông Phan Nhật Thanh thừa nhận các câu chữ trong văn bản không chặt chẽ, dễ gây hiểu lầm. Theo ông Thanh, việc huyện ra yêu cầu trên xuất phát từ việc tiếp nhận thông tin phối hợp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của nhiều tỉnh thành phía nam, trong đó có tỉnh Bình Dương.

Theo ông Thanh, UBND và doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đã có nhiều cách hỗ trợ về đời sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy, khi công dân gặp khó khăn, chính quyền sở tại và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn Bình Dương sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Vậy nên, nếu người dân ồ ạt về quê, tập trung đông người như hình ảnh tại các chốt kiểm soát dịch những ngày qua, vô tình làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Riêng nội dung người dân “tự chịu trách nhiệm về chi phí như xét nghiệm, cách ly y tế…” ông Thanh cho hay, phần này chỉ nói đến những trường hợp đi đường mòn, lối mở để tránh chốt kiểm soát dịch, không chịu khai báo y tế thì khi phát hiện sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Còn công dân từ các tỉnh phía Nam về, Đắk Nông đều phân luồng, hỗ trợ. Cụ thể, theo lãnh đạo huyện Đắk R'Lấp, công dân của Đắk Nông về sẽ được phân luồng riêng để lấy mẫu xét nghiệm ngay tại chốt kiểm soát dịch Cai Chanh (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp), và được đưa về khu cách ly tập trung các huyện nơi công dân sinh sống. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR, công dân mới được về nhà tiếp tục cách ly; với những trường hợp chỉ đi qua địa bàn Đắk Nông, tỉnh này yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, đồng thời có lực lượng công an giao thông hỗ trợ đưa qua địa phận Đắk Nông.

Ông Thanh cho biết thêm, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương luôn tạo điều kiện cho công dân, không có chuyện "ngăn sông cấm chợ". UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch cụ thể để đón công dân đang làm việc ở các tỉnh thành phía nam. Nếu có nhu cầu về thì đăng ký danh sách, UBND tỉnh sẽ bố trí xe miễn phí đưa về.

Cùng ngày, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Công Tự, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đón công dân tỉnh này từ các tỉnh, thành có dịch về. Nguyên nhân được ông Tự đưa ra là Đắk Nông không giống các tỉnh khác có truyền thống làm ăn lâu đời, công nhân lành nghề mà chủ yếu lao động tự do, không có hội đồng hương ở các tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nên rất khó để tập hợp, rà soát.

Theo ông Tự, hiện sở đã đề nghị UBND tỉnh gửi văn bản yêu cầu các huyện, thị rà soát, thống kê số lượng con, em đang sinh sống, làm việc ở TP.HCM và các tỉnh có dịch nhưng chưa có báo cáo.

“Bình Dương có văn bản động viên công nhân, người lao động các khu công nghiệp ở yên tại chỗ để họ kiểm soát, ngăn chặn dịch. Còn TP.HCM là đầu tàu kinh tế, họ đang lo dập dịch nên chưa thể kết nối, Đồng Nai cũng vậy”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông phân trần.

Trước đó, ngày 23/7, UBND tỉnh Đắk Nông có công văn gởi UBND TP.HCM, nêu: "Đắk Nông là một trong những tỉnh có số lượng lớn công dân hiện đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM. Với mong muốn đồng hành cùng TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch, giảm bớt những khó khăn mà thành phố đang gặp phải, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, khi có đề nghị của UBND TP.HCM, tỉnh Đắk Nông sẽ có kế hoạch đưa công dân của tỉnh có nhu cầu trở về địa phương".

MỚI - NÓNG