Nhức nhối tình trạng ô nhiễm ở ngoại thành Hà Nội: Cần giải pháp quyết liệt, đột phá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả các làng nghề được công nhận của Thủ đô sẽ đáp ứng đầy đủ điều kiện về bảo vệ môi trường. Các chuyên gia cho rằng, không đổi mới, quyết liệt, mục tiêu đó khó thành hiện thực...

Không chấp nhận vi phạm môi trường để có sản phẩm giá rẻ

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, vấn đề ô nhiễm ở ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là tại các làng nghề rất khó giải quyết vì không phải địa phương nào cũng đủ kinh phí để xây dựng cụm công nghiệp (CCN) làng nghề, hay hệ thống xử lý khí thải, nước thải cho làng nghề. Các doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải cũng không mấy hứng thú với các CCN làng nghề, vì lợi nhuận không thể sánh bằng việc thu gom, xử lý cho các khu công nghiệp.

Nhức nhối tình trạng ô nhiễm ở ngoại thành Hà Nội: Cần giải pháp quyết liệt, đột phá ảnh 1

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói rằng, tình trạng ô nhiễm ở khu vực ngoại thành không được giảm thiểu mà còn ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều cơ sở sản xuất (CSSX) không muốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải vì sẽ phải nâng giá bán hàng hóa, rất khó cạnh tranh với các CSSX khác ở ven đô. TS Tùng đề xuất Nhà nước cần ban hành, siết chặt tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa và công nghệ sản xuất.

“Tôi nghĩ Nhà nước cần siết chặt thêm các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, công nghệ sản xuất, hệ thống xử lý chất thải, lượng phát thải… Cơ sở nào không đáp ứng thì hàng hóa sẽ không được phép lưu thông. Như vậy thì họ mới tự giác cải tiến công nghệ của mình”, TS Tùng nói.

Khắc phục tình trạng xử phạt nhẹ tay

TS Tùng cho rằng, sự buông lỏng trách nhiệm giám sát quản lý của các cấp chính quyền là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tràn lan, khó kiểm soát. Nhiều địa phương vẫn coi môi trường là vấn đề thứ yếu, không dành nhiều sự quan tâm.

Theo TS Tùng, các địa phương rất thiếu cán bộ quản lý môi trường. Ở cấp xã, hầu như không có ai thực sự chuyên trách lĩnh vực này. Ở cấp huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường cũng thường chỉ có trên dưới 5 người, không đủ để quán xuyến mọi vấn đề về môi trường trên toàn huyện. Bên cạnh đó, rất thiếu kinh phí cho công tác môi trường.

Nhức nhối tình trạng ô nhiễm ở ngoại thành Hà Nội: Cần giải pháp quyết liệt, đột phá ảnh 2

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

“Chỉ riêng công tác tuyên truyền thôi đã không có kinh phí để làm. Ở nhiều địa phương, chính quyền chỉ cắm những khẩu hiệu “không được vứt rác bừa bãi”, “không được đốt rác”… một cách hình thức. Còn tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường, luật pháp về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của doanh nghiệp… thì hầu như chưa có nơi nào làm tốt”, TS Tùng nói.

Trong lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường với các làng nghề trên toàn thành phố, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các làng nghề được công nhận của Thủ đô sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường. Theo TS Hoàng Dương Tùng, các cơ quan chức năng cần phải hành động cương quyết, sát sao và hiệu quả hơn rất nhiều thì mới có hy vọng đạt được mục tiêu này.

Ngoài ra, chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng chưa đủ sức răn đe. Theo TS Tùng, để xử phạt một CSSX vi phạm, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục phức tạp. Thẩm quyền xử phạt của các UBND cấp xã cũng khá thấp. Mức xử phạt tối đa chỉ 5 triệu đồng và chỉ xử phạt một lần trong một năm, nên thiếu tính răn đe.

Kiểm soát cụm công nghiệp ngay từ đầu

Theo các chuyên gia, để cải thiện vấn đề môi trường ở ngoại thành Hà Nội, Nhà nước và các cấp chính quyền cần có những giải pháp mang tính đổi mới, không nên đi theo lối mòn cũ.

Theo TS Tùng, kiểm kê phát thải là một việc quan trọng cần phải làm ngay. Các cấp chính quyền cần phải nắm được lượng phát thải của các ngành nghề như nông nghiệp, chăn nuôi, hóa chất, tái chế, sản xuất sắt thép…, hay lượng phát thải của mỗi CSSX trên địa bàn. Mỗi ngành nghề, mỗi cơ sở có một lượng phát thải khác nhau, cần phải nắm chính xác những dữ kiện này thì mới có thể đưa ra biện pháp quản lý phù hợp ở tầm vĩ mô.

Ngoài ra, chế tài và cơ chế xử phạt cũng cần được cải thiện. Theo TS Tùng, có thể học hỏi một số nước về phương pháp xử phạt theo ngày. Ví dụ, sau khi xử phạt một CSSX vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, những ngày sau đó, nếu CSSX này không khắc phục hậu quả thì sẽ tiếp tục bị xử phạt với mức phạt tăng dần. “Khi nào họ thấy việc đầu tư vào các công nghệ xử lý chất thải tiết kiệm hơn việc vi phạm và nộp phạt, lúc đó họ sẽ tự giác có ý thức bảo vệ môi trường”, TS Tùng nói.

Để cải thiện cơ chế giám sát, quản lý, theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cần phát huy vai trò giám sát của người dân và các tổ chức đoàn thể ở địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc…, chứ không riêng vai trò của lực lượng chức năng. “Chính quyền và người dân phải cùng nhau phối hợp thì mới hiệu quả”, GS. Huỳnh nói.

Sau cùng, hoạt động của các CCN làng nghề cũng là vấn đề cần nhiều sự quan tâm hơn từ các cấp chính quyền. Hiện nay, nhiều CCN làng nghề tại một số huyện như Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức chưa có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, vẫn xả khí thải, nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường... Nhiều CCN khác bị chậm tiến độ xây dựng. Theo Kế hoạch quản lý đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 do UBND TP Hà Nội ban hành, hiện vẫn còn 44 CCN chưa hoàn thành hạ tầng, như các CCN Bắc Vân Đình, Yên Sơn, Đồng Giai, Liên Hiệp (có quyết định thành lập từ năm 2017), CCN Bình Minh - Cao Viên (có quyết định thành lập từ năm 2007)…

TS Tùng cho rằng, để quản lý tốt hơn hoạt động của các CCN làng nghề, các cấp chính quyền cần phải rà soát, lập hồ sơ môi trường và xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về các CCN. Những thông tin bắt buộc phải có là ngành nghề/lĩnh vực sản xuất, công suất hoạt động, nguyên vật liệu đầu vào, loại hóa chất sử dụng trong sản xuất, lượng phát thải ra môi trường hằng ngày… Cuối cùng, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các CCN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra...

MỚI - NÓNG